Ai cũng được xử phạt báo chí? - Đi ngược xu thế chung
Trước quy định cho phép hàng loạt cấp, ngành được xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật gây rối rắm, bất khả thi... đông đảo bạn đọc, các chuyên gia và cơ quan chức năng đã lên tiếng phản ứng.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre, một trong những nhiệm vụ của báo chí đã được thể chế hóa trong luật Báo chí là nhiệm vụ đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trong đó nhà báo còn có nghĩa vụ bảo vệ nhân tố tích cực đấu tranh phòng chống các tư tưởng hành vi sai phạm trong xã hội. Do đó, hoạt động báo chí đôi lúc sẽ gặp những rủi ro nghề nghiệp, nhưng hiện chưa có quy định miễn trừ báo chí để bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp. Nay Chính phủ ban hành nhiều nghị định (NĐ) trong lĩnh vực thống kê; quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; giáo dục; khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ… có quy định xử phạt cá nhân và tờ báo khi có hành vi thông tin sai sự thật, đưa tin không đúng sự thật..., trong khi các hành vi này đã có chế tài xử phạt theo NĐ 02 NĐ-CP và NĐ 159 NĐ-CP áp dụng từ ngày 1.1.2014, dẫn đến gây chồng chéo, bất an về mặt tâm lý đối với phóng viên khi tác nghiệp và tạo thế ỷ quyền cho một số cá nhân lạm dụng, tiêu cực; chưa kể là trái nguyên tắc xử lý về một hành vi vi phạm hành chính (chỉ bị xử phạt một lần). “Do vậy, cần phải điều chỉnh hủy bỏ phần quy định chồng chéo nêu trên, trường hợp phát hiện sai phạm thì kiến nghị cơ quan chức năng quản lý báo chí xử phạt để nhằm đảm bảo tính thống nhất về lãnh đạo và quản lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay nghề đặc thù báo chí cần được quan tâm, bảo dưỡng”, luật sư Lương kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng quy định cho nhiều ngành xử phạt báo chí là đi ngược xu thế chung của thế giới và phá vỡ tính thống nhất quản lý ngành cũng như tính nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần. Trong luật Báo chí, NĐ 51, NĐ 02, NĐ 159 đã có đầy đủ hành lang pháp lý quy định quyền, trách nhiệm và chế tài xử phạt cụ thể cho từng hành vi tác nghiệp của phóng viên cũng như tờ báo nơi quản lý phóng viên đó, nếu có vi phạm. “Việc ban hành nhiều quy định xử phạt như hiện nay, giống như cảnh một cổ mà phải đeo nhiều ách. Quy định như vậy sẽ làm hạn chế tiếng nói phản biện của báo chí, công cụ sắc bén của báo chí cũng cùn đi, tính thông tin đa chiều trên báo chí cũng sẽ giảm. Rõ ràng, quy định của luật Báo chí trao cho nhà báo, tờ báo nhiều quyền để hoạt động nhưng các NĐ trong những lĩnh vực khác lại đặt ngay trước cửa một cái bẫy, treo một dây thòng lọng “canh” để phạt làm mất tính tự do báo chí. Việc ngành ngành tự quy định xử phạt báo chí sẽ gia tăng sự lạm quyền, gây trở ngại, ảnh hưởng đến tác nghiệp báo chí, hạn chế thông tin những vụ việc tiêu cực trên báo chí”, luật sư Trạch phân tích và kiến nghị: “Bộ Tư pháp cần phải nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi những quy định tréo ngoe nói trên, ban hành những quy định phù hợp luật Báo chí”.
Rà soát, loại bỏ mâu thuẫn
Nói về tình trạng trên, ông Hà Minh Huệ, đại biểu QH, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN cho rằng sẽ rất khó áp dụng thực tế vì có nhiều điểm “vênh”. Theo đó, NĐ 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung thông tin như thông tin sai sự thật là 5 triệu đồng (điểm a, khoản 2, điều 7), trong khi cũng hành vi tương tự như vậy thì tại NĐ 79/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê đưa ra mức phạt 30 triệu đồng. Theo khoản 4, điều 7, NĐ 02 thì việc đưa tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng mới bị phạt đến 30 triệu đồng, trong khi đó, chỉ cần đưa tin sai sự thật về số liệu thống kê, không cần hậu quả cũng đã bị phạt đến 30 triệu đồng... “Sự “vênh” này có thể gây khó khăn cho việc áp dụng, khó cho việc xác định áp dụng văn bản pháp luật nào để xử phạt. Do đó, tôi cho cho rằng các cơ quan chức năng cần phải rà soát các văn bản để loại bỏ các mâu thuẫn trên”, ông Huệ nói.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng không chỉ gây ra sự chồng chéo, giẫm chân lên nhau mà đang có sự hiểu không đúng của các cơ quan chức năng. “Việc ban hành các NĐ về xử phạt hành chính đối các cơ quan chuyên ngành thực hiện trên quan điểm mở rộng các đối tượng, bao quát được các hành vi nhưng không có nghĩa là đưa thêm cả những đối tượng ngoài phạm vi quản lý của mình. Ví dụ, các hành vi trốn thuế, kê khai thuế gian dối thì xử phạt là việc cơ quan thuế, còn báo chí đưa tin sai thì thanh tra thuế chỉ nên kiến nghị để Thanh tra Bộ TT-TT xử lý là được”, ông Cương nói.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, một số cán bộ có trách nhiệm của Bộ Tư pháp cho rằng các NĐ về xử phạt về hành chính hiện nay như một “ma trận” nên không thể trả lời được báo chí ngay nếu không kiểm tra, rà soát.
. Theo Lê Nga - Thái Sơn (TNO)
Tuy rằng NĐ 51, NĐ 02, NĐ 159 đã có đầy đủ hành lang pháp lý quy định quyền, trách nhiệm và chế tài xử phạt cụ thể cho từng hành vi tác nghiệp của phóng viên cũng như tờ báo nơi quản lý phóng viên đó, nếu có vi phạm. Nhưng trong thực tế lâu nay đã có phóng viên nào bị phạt việc này chưa...? Chỉ có phạt những người lợi dụng chức danh để lảm tiền, còn đưa tin chồng chéo chuyện không nói có, chỉ vì tính nghe một phía nhận lời để đăng tin, thiếu sự xác minh thiếu tính năng trung thực của báo chí thì có. Khi gặp khiếu nại thì chuồn và cho là sợ bị hành hung, tránh né xong rồi đâu cũng vào đó. Nên đề nghị các vị Tông biên tập phải rà soát và xem xét thật chính xác trước khi đăng tin. Để khi đăng rồi đúng việc thì tốt, còn không đúng việc thử hỏi danh dự của một CQ hay một cá nhân phải đền là bao nhiêu..? Thậm chí một câu xin lỗi cũng không có đừng nói đền. Do vậy cần phải khắc khe để đảm bảo tính trung thực và ngôn luận của báo chí! Vì hiện nay quá nhiều việc làm của các phóng viên khi th