Thợ xảm - Nghề của sự tận tâm
Thợ xảm là những người đảm nhiệm việc làm kín các mối ván trên vỏ tàu cá, giúp các con tàu vỏ gỗ kín nước. Trước khi xảm tàu, người thợ cẩn thận tách lớp xảm cũ rồi đưa vào một lớp hồ dầu (bột chai bóng trộn với dầu rái), sau đó nhét xơ xảm (làm bằng thân tre già tước thành sợi xơ nhỏ) theo từng mối ván để làm kín, rồi trét thêm lớp hồ dầu, làm láng các đường xảm.
Ông Trần Kim Hùng (ở xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn), người có 30 năm làm thợ xảm, bộc bạch: “Nghề xảm không nặng nhọc như thợ mộc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng. Người thợ làm nghề phải tận tâm để những con tàu khi ra khơi đảm bảo an toàn, bởi giữa muôn trùng sóng gió mà tàu bị tróc xảm vô nước, hậu quả sẽ khó lường”.
Thợ xảm không vất vả như thợ mộc, nhưng đòi hỏi sự tận tâm.
Bộ đồ nghề của thợ xảm thấy rất đơn giản với búa, đục, chàn, bạt, kiệu nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, để làm được việc, người thợ phải nắm vững các kỹ thuật. Ông Nguyễn Tấn Hệ (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), làm nghề hơn 30 năm, cho biết: “Những người mới vào nghề chỉ được xảm phần trên để quen tay, còn phần chớn nước xuống tới mê lườn con tàu luôn luôn do thợ lành nghề đảm nhận. Với tàu cá đóng mới, mối ván kín nên thợ xảm phải dùng chàn, bạt chành đường triên ván tạo khe hở để xảm. Còn tàu cũ khi xảm lại, mình chỉ việc tách lớp hồ dầu, chai bóng trước đó ra rồi làm, trám vá lại những chỗ mối gỗ bị bong tróc nhẹ”.
Đứng làm bên cạnh, thợ xảm Lê Văn Kha (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), góp chuyện: “Ngoài xơ xảm, có chủ tàu còn yêu cầu xảm bằng dây ny lông hoặc lưới ny lông theo nhu cầu của họ. Dù dùng chất liệu nào, thợ xảm phải đảm bảo làm sao cho con tàu được kín nước”.
Những người thợ xảm luôn đi thành nhóm từ 5 - 7 người để làm việc. Vào mùa “làm nước”, nhu cầu xảm tàu tăng cao, nhóm này gọi thêm thợ ở nhóm kia để hỗ trợ. Anh Nguyễn Anh Sơn, một thợ xảm ở xã Hoài Châu Bắc, chia sẻ: “Cái nghề thợ xảm này có lúc làm không hết việc, song cũng có tháng chỉ làm chừng 7 - 10 ngày. Nhưng nhờ thu nhập cũng khá cao, từ 300 - 400 nghìn đồng/ngày, mình vẫn đủ sống. Nếu chủ tàu thuê mình vào các tỉnh phía Nam làm thì tiền xe đi lại, ăn uống họ lo, công thợ cũng được tính cao hơn”.
Hơn 40 năm làm nghề thợ xảm, ông Đoàn Văn Thịnh (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Nghề nào cũng có vất vả riêng, nhưng khi đã sống với nghề thì phải gắn bó với nó. Bây giờ, Nhà nước không còn cho đóng mới tàu cá vỏ gỗ, cộng với nghề trít keo composite phát triển, nhiều thợ xảm đã bỏ nghề vì ít việc, song tôi cũng như nhiều anh em khác vẫn giữ nghề. Riêng tôi đã lớn tuổi rồi, nhưng ngày nào còn sức khỏe là vẫn còn làm nghề!”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN