“Cái eo” là cái gì?
“Đã nghèo còn gặp/mắc cái eo” là thành ngữ được dùng khá phổ biến hiện nay, cả trong lời nói hằng ngày lẫn trên báo chí. Về “cái eo” trong câu này, có hai cách giải thích như sau.
Trong tiếng Việt, có một từ eo với nghĩa danh từ là “chỗ, vùng thắt nhỏ dần lại ở quãng giữa” (như eo biển, eo đất, vòng eo) và nghĩa tính từ là “thắt nhỏ dần lại ở quảng giữa” (như quả bầu eo, lưng eo). Từ nghĩa tính từ này, eo phái sinh thêm một nét nghĩa “ở trong tình thế gặp nhiều khó khăn, trắc trở, khó có lối thoát” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.349). Đây chính là “cái eo” trong câu thành ngữ trên.
Tuy nhiên, lại có một cách giải thích khác cho rằng “cái eo” ở đây có nghĩa là “tai họa, điều rủi ro” và chữ eo trong thành ngữ này bắt nguồn từ chữ yêu (bộ đại) với nghĩa “tai vạ” trong tiếng Hán.
Thật ra, eo trong cách giải thích thứ nhất cũng là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ yêu (bộ nhục), nghĩa gốc là “cái eo, cái lưng” (như chiết yêu: bẻ gập lưng) và nghĩa mở rộng chỉ “phần lưng chừng, chỗ bị thắt lại của vật” (như hải yêu: eo biển; sơn yêu: lưng núi; bát chiết yêu là bát có phần lưng thắt nhỏ dần xuống đáy). Về âm, mối quan hệ -iêu ~ -eo, ngoài hai trường hợp yêu ~ eo như trên, ta còn gặp trong: liêu (lạnh) ~ [lạnh] lẽo, miêu ~ mèo, phiêu (bèo ván) ~ bèo, phiếu (béo, mập) ~ béo…
Điều thú vị là hai chữ yêu cho ra hai chữ eo khác nhau nhưng trong câu thành ngữ trên, chúng lại có nét tương quan về nghĩa. “Đã nghèo còn gặp khó khăn” hay “đã nghèo lại còn gặp tai vạ” đều được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thiên về cách giải thích thứ nhất hơn. Bởi eo với nghĩa “tai vạ” như trong cách giải thích thứ hai rất ít khi được dùng trong tiếng Việt.
Trong những ngày Covid-19 này, hẳn không ít người rơi vào tình cảnh “đã nghèo còn gặp cái eo”. Dẫu vậy, chúng ta cần phải cố gắng vượt qua khó khăn, ra sức phòng chống dịch bệnh để… “cái eo Covid” này sớm được đẩy lùi.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ