Xin đừng khen thưởng tràn lan
Chỉ còn tuần nữa là bước sang năm mới 2014. Cũng như thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị lại tổ chức tổng kết, khen thưởng. Việc khen thưởng để ghi nhận, tôn vinh những giá trị lao động đã cống hiến trong một năm làm việc, tạo động lực khuyến khích các cá nhân, tập thể tiếp tục phát huy khả năng của mình cho nhiệm vụ của năm mới là rất cần thiết.
Nhưng hiện nay việc khen thưởng gần như tràn lan nên vô tình làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp đó. Có nhiều đơn vị hoạt động cũng bình thường, không có gì nổi trội vậy mà cuối năm đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân tùm lum; thậm chí có đơn vị đề nghị đến 95-100% cán bộ công chức là “Chiến sỹ thi đua” và “Lao động tiên tiến”. Năm nào cũng bình xét nhưng năm nào cũng anh bình tôi, tôi bình anh; anh khen tôi, tôi khen anh. Dường như cứ càng có nhiều chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến thì càng vui cho đơn vị mình.
Luật thi đua - khen thưởng quy định để đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, cá nhân phải có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giải pháp công tác, có đề tài nghiên cứu hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác và phải được hội đồng xét duyệt công nhận. Những tiêu chuẩn này không dễ đạt được, thế nhưng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vẫn được đề nghị tùm lum, người không có sáng kiến, cải tiến gì cũng cố “vẽ” ra cho có.
Cách khen thưởng như vậy vô hình trung dẫn đến đánh đồng người có nỗ lực, cố gắng thật sự với kẻ chỉ hoàn thành phần việc đương nhiên phải thực hiện. Và vì thế các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở từng chỗ, từng nơi trở thành hư danh, mờ nhạt, không còn là động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người lao động. Người được khen cũng không còn thấy vinh dự, tự hào. Việc khen thưởng vì vậy đôi khi trở nên vô nghĩa.
Nguyên nhân một phần là do tư tưởng cả nể, “dễ người dễ ta” hoặc nhận thức đơn giản, khen thưởng nhiều để “cả nhà đều vui”. Mặt khác, là do một số người cho rằng tiền thưởng của Nhà nước như của... chùa; “tranh thủ” càng nhiều càng tốt để cán bộ, nhân viên khỏi bị “thiệt thòi”. Khác với các doanh nghiệp tiền thưởng là của đơn vị hoặc cá nhân tự bỏ ra nên phải tính toán thận trọng.
Thiết nghĩ để việc thi đua khen thưởng đúng với mục đích ý nghĩa của nó, thật sự tạo động lực lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì trước hết là phải thay đổi tư duy, nhận thức trong mỗi người, đặt biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Cần phải nghiêm khắc và công minh trong việc bình xét khen thưởng để chọn đúng người xứng đáng. Người được khen thật sự phải là điển hình nổi bật, là tấm gương để người khác học hỏi. Cũng cần xoá bỏ tư tưởng xem việc khen thưởng là một chiếc bánh ngon, chia nhau cùng hưởng.
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xét khen thưởng một cách thực chất và xứng đáng.
Ngọc Minh
Mục đích của thi đua là tốt nhưng việc tổ chức thi đua hoặc bình chọn không tốt dẫn đến thi đua trở thành tiêu cực, thậm chí vi phạm chủ trương chính sách về thi đua của Nhà nước. Việc làm không đúng về công tác thi đua của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan sẽ làm nhụt chí người giỏi mà được lòng người làm dở, làm cho mục đích thi đua chệch hướng chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, that là tai hại.
Cuối năm các Sếp chủ trương khen thưởng để nhân viên Lại quả cảm ơn nhiều đó mà. Mặt khác, tiền dự toán cuối năm sử dụng chưa hết không để dành cho sang năm mà cứ theo tiêu chí " Cố gắng tiêu cho hết" để sang năm được cấp nữa.Hỡi ôi!Căn bênh trầm kha của Bộ máy Công quyền!