Học cách giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng
Lần đầu tiên tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Trường hè Phát triển Việt Nam 2020 tạo ra một không gian giáo dục cởi mở và tương tác, kết nối giữa những chuyên gia uy tín hàng đầu với các bạn trẻ tiềm năng, nhiệt huyết, cùng hợp sức làm nên những dự án chuyên sâu mang tính cộng đồng.
Học viên và giảng viên tại VSSD trao đổi trực tiếp theo từng nhóm chuyên ngành.
Trường hè Phát triển Việt Nam (VSSD) do tổ chức Thanh niên Phát triển Bền vững đề xướng, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam phối hợp ICISE tổ chức, diễn ra đầu tháng 8.2020, với chủ đề: “Từ giải pháp chuyên môn đến dự án phát triển cộng đồng liên ngành và ứng dụng giải quyết các vấn đề của tiểu vùng sông Mê Kông”. Trường hè quy tụ 94 học viên xuất sắc được tuyển chọn từ 961 hồ sơ đăng ký. Hội đồng cố vấn của VSSD gần 20 giảng viên, cố vấn là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong nước.
VSSD hướng vào giải quyết những vấn đề thực tế. Học viên tham gia VSSD là những “thủ lĩnh” trong các lĩnh vực mà họ đang theo đuổi, có sẵn các ý tưởng, dự án cộng đồng. Các ý tưởng và dự án được nhìn nhận và đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau, toàn diện hơn, giúp gợi mở hướng phát triển hoặc tạo ra những dự án mới mang tính chuyên sâu, gắn liền với cuộc sống.
Ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Chương trình Chính sách và Chiến lược (Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam) - nhà sáng lập VSSD, chia sẻ: VSSD có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng tài năng trẻ. Nhiều bạn trẻ tiềm năng nhưng chưa được trang bị kỹ năng tư duy hệ thống, nền tảng kiến thức chung, toàn diện dẫn đến xây dựng dự án chưa hiệu quả. VSSD là một giải pháp giải quyết vấn đề trên.
Là một trong số ít học viên đến từ Trường ĐH Quy Nhơn tham gia VSSD, Nguyễn Thị Thùy Dương (khoa Khoa học tự nhiên) vui vẻ nói: “4 ngày học giúp tôi nâng cao khả năng xây dựng và học cách giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng”.
Trong 4 ngày, các học viên đã trải qua 42 bài giảng, 4 hội thảo và 12 đề tài thuyết trình ở 6 nhóm ngành: KH&CN đổi mới sáng tạo; nông nghiệp và sinh kế; môi trường và biến đổi khí hậu; sức khỏe cộng đồng; giáo dục, văn hóa và nghệ thuật; xã hội hòa nhập. 3 dự án thuyết trình nổi bật nhất đã được Ban tổ chức chọn trao giải và đồng hành hỗ trợ về vốn lẫn chuyên môn để phát triển dự án, gồm: “Vũ trụ truyện dân gian Việt Nam”, “Truyền thông hỗ trợ cha mẹ theo dõi phát triển tâm vận động ở trẻ từ 0 - 3 tuổi” và “Trồng cỏ Vetiver trên đất nhiễm mặn tạo sinh kế cho nông dân Gò Công”.
Là cố vấn, giảng viên của VSSD, theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, VSSD là mô hình đào tạo độc đáo, tính tương tác và đối thoại cao, phù hợp để phát triển năng lực, trí tuệ của học viên và giảng viên. Tiếc rằng, với 4 ngày, học viên khó tiếp cận hết kiến thức trong mỗi học phần; các dự án học viên tạo ra chưa theo sát với chủ đề khóa học. “Thời gian tới, VSSD nên tính toán thêm thời gian để giúp các em chuyển hóa ý tưởng thành dự án và định hướng chủ đề cho các em ngay từ đầu”, ông Lĩnh gợi mở.
KHÁNH LINH