Doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội từ EVFTA
Từ thời điểm ngày 1.8.2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội cho các DN trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phú Tài, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất, đơn vị đã tăng cường triển khai giải pháp giao dịch và bán hàng online, tìm kiếm “đơn hàng trái vụ”. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty Phú Tài đạt 52,7 triệu USD, tăng 43% so cùng kỳ năm 2019.
Ngành chế biến gỗ trong tỉnh đứng trước nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
- Trong ảnh: Khách hàng quốc tế tham quan gian hàng đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Hoàng Hưng.
Theo bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 594,3 triệu USD, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt trên 181 triệu USD (tăng gần 11%); viên nén gỗ và ván ép đạt 128 triệu USD (tăng 19,3%); sản phẩm từ chất dẻo đạt 68 triệu USD (tăng gần 106%); quặng và khoáng sản khác đạt 30,3 triệu USD (tăng 25,2%); mì và sản phẩm từ mì đạt 14,6 triệu USD (tăng 7%)… Đây là nỗ lực rất lớn của các DN xuất khẩu trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. “Ngày 1.8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là tín hiệu vui với các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Bởi, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ EVFTA”, bà Tuyết cho hay.
Từ phân tích của bà Trần Ánh Tuyết cho thấy, với EVFTA, hàng dệt may được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm; 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ xóa thuế quan sau 7 năm. Với lĩnh vực xuất khẩu gạo, theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn, như vậy tới đây cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường EU rất lớn. Đối với ngành gỗ, các nhà nhập khẩu EU sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế, đồng nghĩa giá đồ gỗ Việt Nam tại EU sẽ giảm, hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu nhiều hơn. Còn đối với ngành da giày, rõ ràng cơ hội mở rộng hơn với hàng xuất khẩu. Cũng như vậy, mặt hàng thủy sản xuất khẩu cũng đứng trước nhiều cơ hội khi gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0% - 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6% - 22% được giảm về 0%; khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5% - 26% cũng sẽ về 0% sau từ 3 - 7 năm…
Nhìn ở góc độ nắm bắt, tận dụng cơ hội từ EVFTA, ông Phạm Văn Nam - Giám đốc Công ty CP Lương thực Bình Định cho rằng, những thuận lợi từ Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Cùng với đó, châu Phi cũng là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng mà chúng tôi nhắm đến. Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với nạn châu chấu bùng phát, châu Phi đang phải chống chịu trước tác động của đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, tình trạng tăng trưởng dân số cao và giá gạo quốc tế cạnh tranh nên Chính phủ và người dân các nước châu Phi đang tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo…
VIẾT HIỀN