Tiếp sức cho hộ nghèo
Một trong những nét nổi bật trong bức tranh KT-XH của huyện Phù Mỹ giai đoạn 2015 - 2020 là công tác giải quyết các vấn đề xã hội luôn được chú trọng, nhất là thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, ưu tiên cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 3,6% (nghị quyết đề ra dưới 5%).
Việc triển khai hiệu quả Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã đóng góp quan trọng vào kết quả nói trên. Tính riêng năm 2019, 9 xã trên địa bàn huyện được triển khai các mô hình: Nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi bò thịt vỗ béo, trồng đậu phụng trên đất lúa chuyển đổi, làm nước mắm cá cơm; kinh phí hỗ trợ 2,628 tỷ đồng.
Gia đình ông Phạm Thế Vinh đã thoát nghèo khi được hỗ trợ từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ảnh: MAI LÂM
Theo Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ Nguyễn Thị Thanh Nga, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo triển khai trên địa bàn các xã được chính quyền, người dân đồng tình ủng hộ. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã chủ động trong việc triển khai Dự án, lựa chọn mô hình, hoàn chỉnh Dự án theo đúng yêu cầu, hướng dẫn sát với thực tế của địa phương. Mô hình được chọn phù hợp với điều kiện chăn nuôi, trồng trọt và chế biến của người dân, đáp ứng được mong muốn hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, 100% hộ tham gia mô hình đều đảm bảo đầu tư đúng mục đích, bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế.
“Khi tham gia mô hình, người dân không chỉ được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ trực tiếp của Dự án mà còn nâng cao kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến qua việc tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn trực tiếp trong quá trình thực hiện tại gia đình. Các mô hình được triển khai cũng mang lại kinh nghiệm cho các xã nhân rộng mô hình trên diện rộng trong thời gian đến”, bà Nga phân tích.
Đáng chú ý, khi được chọn tham gia mô hình, người dân chủ động trong việc lựa chọn giống, đề nghị UBND xã cấp kinh phí trực tiếp. Với hình thức đầu tư này, Dự án đảm bảo được nguồn vốn sử dụng đúng mục đích. Chính quyền địa phương yêu cầu hộ gia đình tham gia Dự án duy trì thực hiện và nhân rộng mô hình trong 1 - 2 năm, từng hộ phải ký cam kết sau một khoảng thời gian nhất định phải thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đến cuối năm 2019, trong 219 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo tham gia mô hình, đã có 134 hộ thoát nghèo, 36 hộ thoát cận nghèo.
Năm 2017, ông Phạm Thế Vinh (ở thôn Trinh Long Khánh, xã Mỹ Cát) được hỗ trợ 9,8 triệu đồng, ông thêm vào 2 triệu đồng nữa để mua 1 con bê cái; sau đó tiếp tục mua thêm 1 con nữa. Sau thời gian nuôi, 2 con bò mẹ đẻ ra 2 con bê, nuôi 4 tháng đã bán được 30 triệu đồng. Bằng cách đầu tư vào chăn nuôi như vậy, đến cuối năm 2019, gia đình ông Vinh đã thoát nghèo.
“Tương tự gia đình ông Vinh, từ vốn “mồi” của Dự án, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong xã đã vươn lên, mở rộng sản xuất, cải thiện đáng kể mức thu nhập”, ông Phan Văn Hùng, công chức văn hóa - xã hội của UBND xã Mỹ Cát, vui vẻ cho biết.
MAI LÂM