Phát triển không gian đô thị ở huyện Tây Sơn: Tích cực đẩy nhanh tiến độ
Những năm gần đây, huyện Tây Sơn phát triển khá nhanh về cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên mức độ phát triển này được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.
Việc đẩy nhanh quá trình phát triển không gian đô thị ở Tây Sơn với vùng lõi là thị trấn Phú Phong còn khó thực hiện thì mục tiêu đưa huyện Tây Sơn lên thị xã vào năm 2025 càng khó hơn.
Khu dân cư hiện hữu khối 1, thị trấn Phú Phong chưa được chỉnh trang đô thị.
Nhiều đổi thay tích cực
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, huyện đã lập và trình duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới phía Nam QL 19, thị trấn Phú Phong với quy mô 242 ha; phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị phía Đông thị trấn Phú Phong quy mô 73 ha. Ngoài ra, huyện đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 một số đồ án như: Quy hoạch chỉnh trang khu sinh thái bàu Bà Lặn, Khu dân cư (KDC) Soi Khánh - Soi Cát, KDC phía Bắc đường Nguyễn Thiện Thuật, KDC phía Nam QL 19, KDC đồng Cây Keo với tổng diện tích gần 130 ha. Đồng thời, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KDC Gò Ku, thôn Phú Thọ (xã Tây Phú), KDC thôn 2 (xã Bình Nghi), KDC thôn Dõng Hòa (xã Bình Hòa), KDC phía Nam - thôn Thượng Giang 2 (xã Tây Giang), các KDC tại các xã...
Chúng tôi khảo sát quanh thị trấn Phú Phong, nơi được xem là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây của tỉnh. KDC ngã ba QL 19 - đường Nguyễn Huệ, KDC dịch vụ bờ bao phía Nam sông Côn hình thành từ năm 2015 đã dần hoàn thiện hạ tầng, mật độ xây dựng 90%. Những con đường lớn, vỉa hè rộng rãi, ngôi nhà cao tầng khang trang tạo cho thị trấn nét mới phát triển đô thị.
Điển hình như KDC sinh thái bàu Bà Lặn. Sau khi lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, tháng 6.2019, huyện Tây Sơn cho khởi công xây dựng KDC sinh thái bàu Bà Lặn với diện tích 4,6 ha, tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Ở giai đoạn đầu, huyện tập trung làm hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, trước tiên là các tuyến đường nội bộ, đấu nối các tuyến đường này với các tuyến giao thông hiện có trong khu vực. Dự án góp phần mở rộng không gian đô thị về phía Nam và tạo liên kết giữa vùng lõi trung tâm đô thị hiện hữu với vùng ven; quy hoạch và tạo diện tích mặt nước, thảm xanh đô thị bảo đảm đạt tiêu chuẩn hiện đại về môi trường, giúp giữ độ ẩm và thoáng mát cho không gian sống của đô thị trong mùa hè. Giải quyết căn bản tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá trong mùa mưa lũ và tình trạng ô nhiễm môi trường KDC dọc hai bên bàu. Một người dân địa phương cho biết: Để vào KDC này, trước đây chỉ có 1 con đường nhỏ như đường ruộng, chỉ đủ cho một xe máy thôi, không ai dám chở đồ nặng vì sợ ngã xuống bàu. Giờ đây là con đường rộng rãi, sạch đẹp, thông thoáng. Quan trọng hơn, lòng bàu đã được nạo vét cải tạo sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường; đường sá cũng kết nối với nhau thành ra đi lại vừa dễ, vừa mau chóng.
Ngoài ra, huyện còn bố trí kinh phí mở rộng nút giao thông tại ngã tư đường Võ Văn Dũng với đường Quang Trung; xây dựng công viên ở khối Phú Xuân và ở các KDC; sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng đô thị, lắp mới hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn Led tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Dù có nhiều đổi thay tích cực nhưng ngay tại vùng lõi của Tây Sơn, thị trấn Phú Phong còn nhiều tuyến đường, công trình cần đầu tư, nâng cấp. Ví dụ, toàn bộ KDC hiện hữu như khối 1, khối 2, khối Thuận Nghĩa, khối Hòa Lạc... không có con đường nào có vỉa hè; những con đường chắp vá, còn nhiều ổ gà gây mất mỹ quan. Ông Nguyễn Văn Sự, 74 tuổi, khối 1, thị trấn Phú Phong, chia sẻ: “Tôi sống ở đây hơn 50 chục năm, đô thị ngày càng phát triển mà đến vỉa hè cũng chưa có thì rất dở. Nhà thì trồi ra nhà thụt vô lộn xộn. Đường nhựa bao năm cũng vá chằng chịt”.
Không chỉ ở thị trấn Phú Phong mà công tác chỉnh trang đô thị ở các xã như: Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú… cũng cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Ông Lê Hà An, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thẳng thắn xác nhận: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ thẩm định cấp phép dự toán, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các công trình trên địa bàn huyện; việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, triển khai đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý dự án huyện. Tiến trình thực hiện các quy hoạch phục vụ phát triển đô thị cho Tây Sơn còn chậm, chúng tôi sẽ phối hợp với nhau tốt hơn để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân”.
Về vấn đề phát triển không gian đô thị ở huyện Tây Sơn, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nhìn nhận: Mức độ phát triển như vừa qua là tương đối khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của Tây Sơn. Đặc biệt công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự của đô thị. Các KDC mới chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn chỉnh các công trình hạ tầng, như: Điện, đường, cấp thoát nước, cây xanh... Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm nguồn vốn bố trí đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kiện toàn bộ máy các cơ quan tham mưu để tạo đột phá trên những lĩnh vực này.
Để tăng cường công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị tại huyện Tây Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn căn cứ theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn đã được phê duyệt, khẩn trương lập Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn để làm cơ sở triển khai xây dựng, phát triển huyện Tây Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án khu đô thị; hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn trong năm 2022, rà soát các đồ án quy hoạch có nội dung không phù hợp, không bảo đảm tính khả thi để thực hiện điều chỉnh cho phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “UBND huyện cần tích cực triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 hoặc tỷ lệ 1/2.000 để quản lý, triển khai cụ thể quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn. Từ đó, UBND huyện mới có cơ sở triển khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV trước khi lập đề án công nhận thị xã như dự kiến. Nếu những khâu trên chậm trễ thì lộ trình đưa huyện Tây Sơn lên thị xã sẽ bị ảnh hưởng theo”.
HẢI YẾN