Trả ơn cuộc đời
Phạm Ðình Mạnh (29 tuổi), ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành, huyện Phù Cát mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống chung với căn bệnh tim bẩm sinh, thanh niên này vẫn tràn đầy lạc quan và lòng nhân ái. Từ 3 năm qua, anh là địa chỉ kết nối tin cậy, đã quyên góp, tổ chức tặng hàng chục tấn đồ cũ cho người nghèo.
Anh Phạm Đình Mạnh miệt mài với niềm vui xin, tặng đồ cũ còn tốt cho người nghèo, đồng bào thiểu số vùng cao.
Anh Phạm Đình Mạnh đã vượt qua số phận không may bị bạo bệnh nhờ sự giúp đỡ kịp thời của một số tổ chức, cá nhân. Người mẹ đơn thân vĩnh viễn rời xa Mạnh khi sinh anh được 7 ngày. Trải qua tuổi thơ mồ côi, thiếu thốn, sức khỏe èo uột, đến khi trưởng thành thì Mạnh phát hiện mình mắc bệnh tim bẩm sinh. Chi phí cho ca phẫu thuật phức tạp điều trị bệnh phình động mạch chủ ở Mạnh cần khoảng 1 tỷ đồng. Mạnh xin về chịu chết. Nhưng cơ hội vẫn đến với con người nghèo khó, đơn độc này. “Mình thì nằm mê man trên giường bệnh, không có người thân để nhờ kêu gọi, hỗ trợ. Song, được cứu tinh là những người hoạt động thiện nguyện trong tỉnh như chú Trần Đình Ký, chị Nguyễn Hương Giang... đã kết nối, giới thiệu mình vào một chương trình mổ tim miễn phí ở TP Hồ Chí Minh, nhờ đó mới có cơ hội sống. Ngay sau khi hồi tỉnh từ ca mổ, điều đầu tiên mình nghĩ đến là phải làm gì đó để trả ơn cuộc đời...”, Mạnh kể.
Từ cuối năm 2017, Phạm Đình Mạnh chuyên tâm hoạt động thiện nguyện và bắt đầu từ việc xin và tặng quần áo, đồ dùng cũ còn tốt. Anh trực tiếp đi xin, gom từng bộ đồ, từng quyển sách... chủ yếu ở Quy Nhơn, ai gọi cho đều lập tức đến lấy không kể ngày đêm, mưa gió để chuyển tới những vùng cao xa xôi, khó khăn trong và ngoài tỉnh. Gom góp cho chuyến đi đầu tiên tại huyện K’bang (tỉnh Gia Lai) vào tháng 1.2018 với quy mô 50 bao (tương đương 2 tấn). Chương trình của Mạnh dần được biết đến và có thêm nhiều cánh tay cùng góp sức.
Điểm đến tặng đồ cũ thường xuyên là những huyện, xã nghèo vùng cao ở trong và ngoài tỉnh. Trong 3 tháng 4, 5, 6.2020, chương trình đã tặng 9 tấn đồ cho đồng bào miền núi ở tỉnh Gia Lai. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện tại, hoạt động tuy không diễn ra đông người, với số lượng đồ lớn nhưng quà vẫn liên tục được chuyển đến các điểm cần nhận, thông qua hệ thống cộng tác viên tại địa phương. Mỗi hộ dân có nhu cầu sẽ được nhận 1 phần 10 kg, bao gồm đồ người lớn, trẻ em, cả nam và nữ. Ngày 31.7, thông qua Chi hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em huyện Tuy Phước - phân hội xã Phước Lộc, chương trình đã tặng khoảng 1,5 tấn đồ.
Phạm Đình Mạnh chia sẻ, điều thuận lợi là được sự tin tưởng, giúp đỡ của những người cùng tâm huyết. Trong đó phải kể đến là hệ thống cửa hàng 0 đồng ở TP Hồ Chí Minh và nhiều cá nhân, nhóm từ thiện nhận, tặng đồ cũ ở khắp cả nước nên mới có nguồn đồ dồi dào. Một “quý nhân” là gia đình bà Trương Hồng Bích, 60 tuổi, có chồng là người Bình Định, hiện sống và làm từ thiện tích cực ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Bà Bích và nhóm thiện nguyện bạn bè đã giúp đỡ rất nhiều trong việc sàng lọc, giặt giũ, phân loại đồ, tham gia đi tặng, tạo điều kiện về kho chứa…
“Từ cuộc đời mình, tôi thấm thía về sức mạnh của sự đùm bọc, sẻ chia. Dù một mình tự kiếm sống và lo chi phí tái khám hằng tháng, tôi nguyện dành cả cuộc đời còn lại để làm thiện nguyện. Cùng với duy trì hiệu quả hơn hoạt động tặng đồ cũ, mong ước và nỗ lực của tôi là mở những cửa hàng 0 đồng lưu động để tiếp tục mang đến những niềm vui thiết thực cho người nghèo”, Phạm Đình Mạnh bày tỏ.
SAO LY