Phân chia tài sản chung trong giải quyết án ly hôn ở Tuy Phước: Thấu tình, đạt lý
Theo Viện KSND huyện Tuy Phước, án hôn nhân gia đình chiếm trên 63% các loại án, trong đó tỷ lệ giải quyết ly hôn có phân chia tài sản chiếm 56% và việc giải quyết phân chia tài sản chung vợ chồng cũng phát sinh nhiều vấn đề. Viện trưởng Viện KSND huyện Tuy Phước Nguyễn Công Binh cho biết: “Phân chia tài sản luôn là một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết trước khi quyết định ly hôn. Nếu các bên có thể thỏa thuận được với nhau thì sẽ dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên, trên thực tế, khi ly hôn các bên đưa ra đủ lý do để giành phần hơn cho mình, dẫn đến việc phân chia tài sản chung sao cho hợp tình, thấu lý cũng lắm gian nan vì một số vấn đề pháp luật chưa đề cập rõ”.
Những cuộc trao đổi liên ngành giúp cho công tác giải quyết án, trong đó có án hôn nhân gia đình, được giải quyết tốt hơn.
Cụ thể, trong số các tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn xảy ra ở Tuy Phước thì tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở là phổ biến và cũng là các tranh chấp diễn ra gay gắt nhất. Đơn cử như vụ chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn giữa nguyên đơn L.C.H. và bị đơn V.T.P. Ông H. cho rằng ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất, là tài sản riêng của ông do lúc đó 2 người chưa cưới nhau. Tuy nhiên, bà P. thì cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng vì bà cũng đứng tên đồng sở hữu. Một trường hợp khác, vợ chồng chị T.N. (thị trấn Diêu Trì) sau khi cưới thì về sống chung nhà với ba chị N., sau đó ba chị N. qua đời. Không sống được với nhau, nhưng chồng chị N. chỉ đồng ý ly hôn khi chị chịu chia một nửa ngôi nhà này; còn chị N. cho rằng đây là nhà của cha nên nhất quyết không chia.
Dù khó khăn như vậy, nhưng với cách làm phù hợp, tỷ lệ giải quyết án ly hôn có tranh chấp tài sản của Tuy Phước luôn đạt tỷ lệ cao (85%). Để có được kết quả này, các cơ quan chức năng huyện Tuy Phước đã và đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Thẩm phán Trần Thị Lệ Quyên, TAND huyện Tuy Phước, nêu rõ quan điểm xét xử: “Bên cạnh việc xem xét công sức đóng góp của mỗi bên, thì hoàn cảnh của mỗi bên cũng được chúng tôi quan tâm và xem như một tiêu chí khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Trên cơ sở nguyên tắc chung là chia đôi, Tòa xem xét đến khả năng lao động, điều kiện sức khỏe để phân chia tài sản chung. Ngoài ra, tình trạng tài sản cũng cần được xem xét như tài sản đang được vợ chồng trực tiếp quản lý hay bị cầm cố, thế chấp… Khi xem xét toàn diện các yếu tố đó thì mới có căn cứ phân chia tài sản hợp tình, hợp lý, nhằm tạo điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống của các bên sau khi ly hôn”.
Còn ông Binh chia sẻ thêm, để tránh sai sót và bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, Viện tăng cường kiểm sát bản án, quyết định của Tòa nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác giải quyết án.
Q.THÀNH