Phụ nữ chung tay phòng, chống Covid-19
Khi cả đất nước căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, mỗi tổ chức, cá nhân phụ nữ đều nỗ lực tham gia vào “trận chiến” cũng như làm tốt công tác hậu phương.
1. 7 giờ sáng 15.8, chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, 28 tuổi, nhân viên y tế tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại đèo Bình Đê (TX Hoài Nhơn) hết ca trực và trở về nhà (ở xã Hoài Châu). “Định sau khi về nhà thay quần áo, sát khuẩn kỹ càng thì ghé nhà trẻ thăm con chút cho đỡ nhớ rồi về nghỉ cho lại sức, 15 giờ lại vào ca. Ai dè “ảnh” qua nay sụt sịt bệnh, ở nhà cho mẹ chăm mệt nghỉ. Hèn chi bà ngoại và ba cứ bảo xin nhà dân nào gần chốt nghỉ ngơi đỡ rồi vào ca cho gần, vài hôm hãy về; vì lo mẹ về thấy việc không chịu nghỉ ngơi thì không đảm bảo sức khỏe phục vụ công tác”, Hạnh cười chia sẻ.
Nữ nhân viên y tế tại chốt xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn đo thân nhiệt hành khách.
Có hai con, lớn 5 tuổi, nhỏ mới 23 tháng và nhìn thấy nguy cơ của nơi mình đến làm việc: tiếp xúc với người về từ vùng dịch Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng…, nhưng người mẹ trẻ này vẫn xung phong đi làm nhiệm vụ. Chồng Hạnh là cán bộ xã, cũng quá hiểu tinh thần “chống dịch như chống giặc” và hết lòng ủng hộ vợ làm nhiệm vụ. Anh “kiêm” phần vợ chăm sóc con. “Mừng nhất là được chồng, gia đình đôi bên ủng hộ, vẫn đảm bảo chăm sóc hai con chu đáo để mình yên tâm công tác. Là một người trẻ, lại trong ngành y, lần đầu đứng trước một đại dịch toàn cầu phức tạp như vậy, tự bảo mình không thể đứng ngoài cuộc, đây cũng là một dịp được cống hiến, học hỏi. So với bao người đang trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ hay khối lượng công việc của mình có là gì”, Hạnh bộc bạch.
Cũng suy nghĩ tích cực như Hạnh, chị Nguyễn Thị Chúc, nhân viên y tế tại chốt xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn lý giải giản dị về quyết định tham gia phục vụ tại chốt: “Dịch bệnh phức tạp ai chẳng ngại, nhưng thay vì sợ, né tránh thì phòng hộ tốt và tham gia ngăn dịch xâm nhập vào tỉnh cũng là cách bảo vệ gia đình mình và cộng đồng”.
2. “Lát cắt” chuyện nhà, chuyện làm chuyên môn mùa dịch của 2 nữ nhân viên y tế trên phần nào cho ta hình dung về cuộc sống thường nhật với nhiều thay đổi, dành ưu tiên lớn nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch của lực lượng nữ y tế. Vượt qua bao nỗi lo âu thường tình của con người trước dịch bệnh, chấp nhận tổ ấm gia đình thiếu bàn tay vun vén của người phụ nữ, họ tình nguyện đi vào các “điểm nóng”. Sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm của những nữ “chiến binh áo trắng” mùa dịch: 9 nữ y bác sĩ trong Đoàn nhân viên y tế Bình Định tình nguyện chi viện Đà Nẵng (gồm 25 người) hay hàng chục nữ nhân viên y tế đang căng mình tại các điểm phục vụ cách ly, chốt kiểm soát…trong tỉnh mãi là hình ảnh đẹp trong lòng dân.
Chia sẻ, động viên tinh thần lực lượng phụ nữ trực tiếp tham gia, so với đợt dịch đầu, công tác hậu phương được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh quan tâm hơn. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức đi thăm, tặng quà 6 chốt kiểm soát dịch và 1 trung tâm phục vụ cách ly trên địa bàn tỉnh. Hội LHPN thành phố, thị xã, huyện các địa phương có chốt cắm trên địa bàn cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên. Theo Hội LHPN TX Hoài Nhơn, hiện địa bàn có 29 nữ nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại 3 chốt Bình Đê, Vĩnh Tuy và Cảng cá Tam Quan. Đây là lực lượng hội viên tiên phong trong công tác phòng, chống dịch mà Hội rất ghi nhận, biểu dương và luôn quan tâm để kịp thời hỗ trợ gia đình khi có nhu cầu.
3. Bên cạnh đó, có thể nói, ngay khi dịch tái bùng phát, cùng với các cấp, ngành, hội, đoàn thể khác, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã “tái khởi động” các chương trình, hoạt động tham gia phòng, chống dịch, vừa theo quy định chung vừa có tính riêng mang đặc thù của Hội.
Phong trào tự may khẩu trang, làm mũ ngăn giọt bắn để tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch… sôi nổi trở lại tại hầu khắp nhiều chi, tổ hội. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, cán bộ Hội, hội viên nòng cốt càng tăng cường “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát tờ rơi tuyên truyền, tặng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, mũ ngăn giọt bắn, hướng dẫn cài đặt ứng dụng phòng ngừa dịch… cho người dân. Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Từ Thị Phụng, qua đợt dịch đầu, người dân đã có kiến thức, ý thức trong phòng, chống dịch, do đó công tác tuyên truyền được giảm tải, tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện được nhiều hoạt động có tính chiều sâu, thiết thực hơn. Theo đó, bên cạnh tiếp tục làm hiệu quả hơn vận động xã hội hóa để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội chú trọng công tác hậu phương, góp phần hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
SAO LY