Về quê hương danh nhân Đào Tấn
Chỉ cách Quy Nhơn khoảng 20 km, về quê hương danh nhân văn hóa Ðào Tấn - làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước - là nơi có nhiều cảnh quan di tích, công trình xưa mang nét đẹp rất riêng...
Cổng làng Vinh Thạnh được xây dựng từ năm 1918.
Đến Vinh Thạnh, bạn chỉ cần đi bộ trên con đường hơn 100 m là ghé thăm được 3 công trình mang cả dáng dấp xưa - nay hòa quyện. Đầu tiên là đình làng Vinh Thạnh (thôn Vinh Thạnh 1), công trình vốn hàng trăm năm tuổi, nhưng ngôi đình hiện hữu là công trình được xây dựng lại vào năm 1948, mang nét hoài niệm kiến trúc xưa. Đây là nơi chính quyền và nhân dân trong vùng thờ và tổ chức lễ giỗ cụ Đào Tấn hằng năm (rằm tháng bảy âm lịch), cùng các lễ tế truyền thống. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 ngôi đình là di tích cấp tỉnh, trong đó đình Vinh Thạnh được xếp hạng sớm nhất (năm 2000).
Đào Tấn (1845 - 1907) quê ở làng Vinh Thạnh (nay là thôn Vinh Thạnh 1 và thôn Vinh Thạnh 2), xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Ông giữ nhiều chức quan qua nhiều đời vua triều Nguyễn; là nhà thơ, soạn giả tuồng nổi tiếng được suy tôn là “hậu tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Điểm đến thứ hai, cổng làng Vinh Thạnh (thôn Vinh Thạnh 2) được xây từ năm 1918, được ghi nhận là cổng làng cổ nhất còn giữ được trên địa bàn tỉnh. Theo những người cao niên trong làng, năm 1918 chính vua Khải Định cho xây dựng cổng làng Vinh Thạnh nhằm ghi nhớ công lao của danh thần Đào Tấn. Đến nay, chỉ còn lại cổng chính (xưa thường chỉ mở vào những ngày tết, lễ trọng hoặc dành đón các quan lớn khi về thăm làng), cổng phụ ở hai bên (dành cho dân đi) nay không còn nữa. Quan sát từ mặt trước ra mặt sau cổng, bạn sẽ thấy thêm điều thú vị thể hiện bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, nên khi ghi tên cổng, người ta đã giới thiệu bằng cả 3 ngôn ngữ - Pháp, Hán, Việt.
Từ xóm Vinh Tây nơi có cổng làng cổ, bạn tiếp tục đi dạo đến xóm Vinh Bắc cũng thấy một cổng “sao y bản chính” cổng làng Vinh Thạnh nhưng được xây dựng bên cạnh một cánh đồng khá rộng lớn. Cách đây 13 năm, người dân đã tự nguyện đóng tiền để xây dựng “Cửa xóm Vinh Bắc” để vừa mở rộng dấu ấn của làng Vinh Thạnh vừa động viên cháu con tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Điểm đến thứ ba, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn xây dựng trên khu đất có diện tích gần 4.000 m2 ngay khu vực phía trước cổng làng cổ. Tham quan công trình được khánh thành cách đây đúng 4 năm, sau khi thắp nén hương tưởng nhớ danh nhân Đào Tấn trong Đền thờ, bạn có thể tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp với rất nhiều cống hiến của ông qua những kỷ vật, hiện vật, tư liệu, bút tích tác phẩm…
Đi sâu vào thôn Vinh Thạnh 2, hứng thú cứ tăng dần khi bạn lần lượt ngắm nhiều ngôi nhà có khu vườn rộng, trồng nhiều loại cây, hoa. Một số ngôi nhà có hàng rào bằng cây xanh, hàng cau đẹp mắt, hoặc những cây cảnh được chăm sóc công phu, tạo dáng thế đẹp. Cảm giác bình yên tận hưởng “hương đồng gió nội” khi đi dạo trên những đoạn đường bê tông men theo sát cánh đồng lúa rộng lớn đang chín vàng rực những ngày hè. Hỏi thăm người dân, họ sẽ vui vẻ chỉ đường bạn ghé thăm ngôi nhà từ đường họ Đào được xây dựng mới đẹp và khang trang hơn trên khu đất vườn rộng, nơi có những di chỉ liên quan đến gia đình và cụ Đào Tấn khi trở về quê hương sống những năm tháng cuối đời…
Từ đường họ Đào ở thôn Vinh Thạnh 2.
Để chuyến hành trình càng hứng thú khi có thêm “hương vị quê hương”, rời Vinh Thạnh bạn đừng vội quay trở về Quy Nhơn, mà đi khoảng hơn một cây số nữa (theo hướng Bắc) đến thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, tham quan các cơ sở sản xuất “Nem chả chợ Huyện”. Nơi đây còn có hàng chục quán phục vụ khách thưởng thức món đặc sản nổi tiếng của Tuy Phước - Bình Định vào buổi trưa và chiều tối.
Từ trung tâm TP Quy Nhơn, đi đường Trần Hưng Ðạo đến ngã ba Ông Thọ (phường Nhơn Phú) rồi rẽ phải đi thẳng theo đường Ðào Tấn, khi đến ngã tư ở thị trấn Tuy Phước thì không rẽ mà tiếp tục đi thẳng khoảng hơn 3 km sẽ đến thôn Vinh Thạnh 1 và thôn Vinh Thạnh 2 nằm ở phía bên tay phải.
Trên đường đến Vinh Thạnh, có thể kết hợp ghé viếng mộ cụ Ðào Tấn trên núi Huỳnh Mai ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (đến ngã tư thị trấn thì rẽ phải đi khoảng 5 km).
HOÀI THU