Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Nhiều chuyển biến rõ nét
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NÐ-CP, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần mang lại sự hài lòng cho người dân, DN đối với sự phục vụ hành chính của tỉnh.
Điểm nhấn Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động kể từ ngày 1.4.2019. Đây là địa điểm tập trung, duy nhất để người dân, DN đến nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Cần điều chỉnh để hoàn thiện mô hình tổ chức, phương án nhân sự làm việc của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hẹn đạt trên 97%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thông qua hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, Trung tâm đã ghi nhận 1.301 lượt ý kiến của công dân, trong đó có 1.105 ý kiến rất hài lòng, 132 ý kiến hài lòng và 64 ý kiến chưa hài lòng, chủ yếu do thời gian giải quyết TTHC dài, sự phối hợp giải quyết giữa một số cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, nhất là trên lĩnh vực đất đai.
“Đáng chú ý, Trung tâm đã ứng dụng các tiện ích để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức như: Gửi tin nhắn SMS, tin nhắn Zalo, nhắn tin thông báo tự động từ tổng đài của Trung tâm khi có kết quả giải quyết hồ sơ TTHC hoặc đề nghị bổ sung hồ sơ”, ông Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Trung tâm, cho hay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc củng cố, kiện toàn để nâng cao năng lực hoạt động của bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Nhờ đó, tình trạng hồ sơ TTHC trễ hẹn tại cấp huyện, cấp xã có xu hướng giảm dần qua các năm. Tính đến hết tháng 6.2020, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn còn 7,8%, giảm 8,2% so với thời điểm cuối năm 2019. Một số địa phương là điểm sáng trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC, có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn thấp là: Vĩnh Thạnh 1,3%, Hoài Ân 1,4%, An Lão 2,7% và Quy Nhơn 3,1%.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai xây dựng phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã kết nối liên thông với phần mềm sử dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để hình thành Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ tốt công tác gửi, nhận hồ sơ TTHC điện tử liên thông theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Cần điều chỉnh để hoàn thiện
Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã bộc lộ một số bất cập, nhất là về mô hình tổ chức. Trung tâm là đơn vị hành chính đặc thù, trong đó Giám đốc Trung tâm do lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm; đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC do các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cử đến. Mô hình này gây không ít khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại Trung tâm.
Một số địa phương là điểm sáng trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC, có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn thấp là: Vĩnh Thạnh 1,3%, Hoài Ân 1,4%, An Lão 2,7% và Quy Nhơn 3,1%.
Đáng chú ý, trong thực tế có một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có số lượng hồ sơ TTHC phát sinh ít nên đề xuất nhập quầy giao dịch, tự thỏa thuận phân công nhiệm vụ hoặc thông qua Bưu điện tỉnh để thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ. Hình thức này hiện chưa thực hiện được do vướng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
“Trung bình 12 ngày mới phát sinh 1 hồ sơ TTHC; nhân sự khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải cử 1 người phụ trách quầy. Cần thay đổi quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ Võ Đình Kha bày tỏ.
Thực tế cho thấy, cần có đánh giá đúng, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, từ đó có những điều chỉnh để hoàn thiện mô hình tổ chức, phương án nhân sự làm việc của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
NGUYỄN VĂN TRANG