Các huyện miền núi giảm nghèo nhanh và bền vững
Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27.12.2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão đã dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường.
Nâng cao đời sống người dân
Xác định việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững là cơ hội để phát triển, nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác trong tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận đã phối hợp với các hội, đoàn thể chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 30a, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành các mục tiêu đã đề ra theo từng năm, từng giai đoạn.
Điểm trường làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) được đầu tư xây dựng khang trang và lắp đặt hệ thống điện mặt trời, giúp thầy trò có thể sử dụng thường xuyên các thiết bị dạy học điện tử.
12 năm qua, các huyện được hỗ trợ trên 4.088 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi… để thực hiện Nghị quyết 30a. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, trong giai đoạn này cũng triển khai thực hiện một số chương trình như xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ, các huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển rừng, giao đất trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho hộ dân, đồng thời gìn giữ và bảo vệ rừng. Đến nay, 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão đã giao khoán trên 60.584 ha rừng cho 5.283 hộ dân và 29 tập thể, nâng độ che phủ rừng lên gần 75% - đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, 3 huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với 121 mô hình khuyến nông, lâm, ngư, tạo điều kiện để hàng trăm hộ nghèo tham gia và có được thu nhập cao. Có thể kể đến một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nghèo như: Trồng rau an toàn (thu nhập trên 150 triệu đồng/ha), nuôi cá lồng bè trên hồ chứa nước Định Bình (thu nhập 80 triệu đồng/2 vụ/năm), trồng dừa xiêm, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo sinh sản, trồng dâu nuôi tằm...
Qua các năm, thu nhập của người dân nghèo không ngừng tăng. So với thời điểm trước khi triển khai chương trình thì đến hết năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của 3 huyện tăng gấp 2; năm 2015 tăng gấp 6 lần; đến nay (năm 2020), thu nhập bình quân của các huyện miền núi đạt khoảng 30,5 triệu đồng/người/năm.
“Hiện nay, 100% bà con người Chăm, H’rê, Bana ở Vân Canh đã có thẻ BHYT, 100% trẻ em được đến trường. Chúng tôi có nước sạch, có điện thắp sáng, nhà cửa ngày càng khang trang, đẹp đẽ, đường ô tô chạy đến tận trung tâm xã, đa số đường thôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa…”, bà La Mai Ngọc Bích, một người dân ở huyện Vân Canh, phấn khởi cho biết.
Cần thêm nhiều nỗ lực
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, giải pháp, giai đoạn 2009 - 2010, các huyện miền núi đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40% - đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,7%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (Nghị quyết 30a và Nghị quyết của HĐND tỉnh cùng đề ra chỉ tiêu giảm 4%/năm). Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,5%/năm (kế hoạch của Nghị quyết 30a là giảm 4%/năm và Nghị quyết của HĐND tỉnh là giảm 5%/năm).
Có thể nói, trong 12 năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quyết định cho sự thành công của chương trình. Đến nay, nhận thức của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã chuyển biến tích cực. Các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đã được triển khai và đưa về tận các thôn, làng. Thông qua hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể các cấp, việc gây dựng những gương điển hình, người có uy tín trong cộng đồng đã giúp từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội ở vùng sâu, vùng xa.
Dù vậy, tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực trong nội bộ các huyện chưa đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn 3 huyện miền núi - tuy đạt và vượt so với kế hoạch theo từng năm, song vẫn còn cao so với các địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, số lượng xuất khẩu lao động đã có cải thiện nhưng vẫn còn thấp...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, như nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và người dân về Nghị quyết 30a chưa cao; một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực vươn lên thoát nghèo... Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của tỉnh, cho biết: “Những tồn tại, hạn chế trên đã được các sở, ban, ngành của tỉnh cùng chính quyền các địa phương nhìn nhận và đề xuất giải pháp khắc phục; đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các huyện nghèo phát triển hơn trong những giai đoạn tiếp theo”.
NGỌC TÚ