PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” Ở HUYỆN HOÀI ÂN:
Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi
Bây giờ, khi về huyện Hoài Ân người ta dễ thấy nhiều công trình thuộc hệ thống các thiết chế văn hóa cộng đồng khang trang, đời sống văn hóa sôi nổi, môi trường cảnh quan ngày càng sạch, đẹp... Kết quả này có được nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hoài Ân và đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới từ nhiều năm qua.
Nhiều tuyến đường liên xã, huyện ở Hoài Ân được thảm nhựa.
Ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, dẫn chứng: Cách đây 10 năm, các tuyến đường liên thôn, xã ở huyện đa phần là đường đất, sình lầy vào mùa mưa, bụi bặm vào ngày nắng. Việc đi lại, giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt mỗi khi vào vụ thu hoạch rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, vật nuôi. Để tháo gỡ “nút thắt” này, huyện đã tập trung cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo sức bật để phát triển KT-XH. Muốn làm được công tác này, huyện vừa tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, vừa phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), nhân dân huyện Hoài Ân đã đóng góp trên 66.000 ngày công lao động, hiến gần 170 nghìn m3 đất và nhiều loại vật tư, cây trồng, trị giá trên 97 tỷ đồng. Đến nay, có 151,4 km đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện được bê tông xi măng, nhựa hóa (đạt 100%); gần 235 km đường trục thôn được bê tông xi măng (đạt 96%); đường xóm bê tông cứng hóa 251 km (đạt 98%).
Khi kinh tế phát triển, các cấp chính quyền có thêm điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đời sống được nâng cao, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, TDTT ở cơ sở, khu dân cư có nền tảng tốt để diễn ra sôi nổi. Đến nay, toàn huyện có 73 thôn đã có nhà văn hóa kiên cố; 15/15 xã, thị trấn đã có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, điểm đặc biệt là hệ thống này có nhiều hoạt động thực tế, hiệu quả được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
Huyện Hoài Ân là địa phương chú trọng vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, tiến bộ vừa có nhiều sáng tạo trong giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục. Đơn cử, việc cưới hỏi ở địa phương được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và gia đình; lễ cưới được đơn giản hóa, không rườm rà kéo dài thời gian gây tốn kém. Đối với việc tang, các đám tang tại địa phương trên địa bàn huyện tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, vị trí đều ở xa khu dân cư, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Các hoạt động trò chơi dân gian như: Thi đập niêu, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức vào dịp lễ, Tết đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
Ngoài ra, phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn văn hóa; cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đã tạo sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Phong trào tập luyện TDTT cũng thu hút đông đảo người dân tham gia với nội dung, hình thức tập luyện ngày càng đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, tình đoàn kết cho cán bộ, nhân dân ở địa phương.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng VH&TT huyện Hoài Ân, khẳng định: “Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng, phát triển đời sống văn hóa trên địa bàn huyện năm 2020 là tiếp tục củng cố vững chắc kết quả đạt được, từng bước phát triển nâng cao chất và lượng phong trào lên một bước mới. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển KT-XH, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân”.
AN NHIÊN