Tìm hướng phát triển cho các khu công nghiệp
Các khu công nghiệp đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng, thu hút đầu tư, lẫn cơ chế, thủ tục đầu tư đang là rào cản trong phát triển các khu công nghiệp.
KCN Nhơn Hòa đã lấp đầy đầu tư giai đoạn 1, hiện đang đẩy nhanh hoàn thiện giai đoạn 2 để thu hút đầu tư.
Động lực phát triển
Những ngày này, Công ty CP Ðầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn) khẩn trương thi công hoàn thiện hạ tầng 80 ha giai đoạn 2 của Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Hòa, giao “mặt bằng sạch” cho DN. Đây là phần mở rộng, sau khi KCN Nhơn Hòa lấp đầy diện tích giai đoạn 1 là 146 ha cho 43 DN thuê đầu tư, trong tổng số 282 ha toàn KCN. Song song với đầu tư hạ tầng, công tác xúc tiến thu hút đầu tư cũng được triển khai, hiện đã có 4 DN thương thảo hợp đồng thuê khoảng 40% diện tích đất.
Đặc biệt, Nhơn Hòa thành công lớn khi cầm chắc suất đầu tư 10 ha của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại phần đất đang mở rộng giai đoạn 2. “Ở khu vực miền Trung, không một khu công nghiệp nào được Bộ TN&MT cấp phép cho hoạt động ngành nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Cuối năm 2019, khi nhà đầu tư đặt vấn đề thuê đất tại KCN Nhơn Hòa, ngay đầu năm nay chúng tôi xúc tiến các thủ tục theo quy định và hướng dẫn của Bộ TN&MT.
2 tháng, chúng tôi đã có được quyết định của Bộ TN&MT cho phép đầu tư trong lĩnh vực này. Tất nhiên, để mời gọi được nhà đầu tư vào đây, chúng tôi không chỉ đảm bảo đất sạch mà còn có hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải đảm bảo đáp ứng nhu cầu”, ông Đinh Xuân Huy, Giám đốc Công ty CP Ðầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa, khẳng định.
Theo ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến nay, trong khu kinh tế và các KCN của tỉnh có 320 DN với 263 dự án đang đầu tư và hoạt động. Trong đó, tại các KCN ngoài khu kinh tế có Phú Tài (162 dự án/126 DN đăng ký đầu tư vốn hơn 4.898 tỷ đồng, vốn thực hiện 3.277 tỷ đồng); Long Mỹ (39 dự án/24 DN đăng ký đầu tư vốn hơn 1.843 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 840 tỷ đồng); Nhơn Hòa (34 dự án/31 DN đăng ký đầu tư vốn hơn 5.129 tỷ đồng, vốn thực hiện hơn 4.370 tỷ đồng).
“Hoạt động của các KCN trong thời gian qua cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng. Năm 2019, các KCN nộp ngân sách trên địa bàn gần 1.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong nhiều năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40% của toàn tỉnh”, ông Hùng cho hay.
Từng khẳng định thế mạnh tập trung những “ông lớn” về ngành gỗ và chế biến đá, nhưng KCN Phú Tài gặp nhiều khó khăn do nằm xen lẫn trong khu dân cư, xung đột dai dẳng hoạt động của DN với lợi ích người dân.
- Trong ảnh: Hoạt động tại một DN sản xuất đồ gỗ tại KCN Phú Tài. Ảnh minh họa
Cần nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Hoạt động từ năm 2009, KCN Phú Tài là KCN đầu tiên của tỉnh. Đến nay, KCN này đã “nở nồi” lên 345 ha và lấp đầy với khoảng 110 DN đang hoạt động. Ông Võ Đình Luyện, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định - đơn vị làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài, thông tin: Từng khẳng định thế mạnh tập trung những “ông lớn” về ngành gỗ và chế biến đá, nhưng đến nay có khoảng 50% DN thực hiện chuyển nhượng dự án. KCN hoạt động khó khăn vì nằm xen lẫn trong khu dân cư, xung đột dai dẳng hoạt động của DN với lợi ích người dân. Với KCN Long Mỹ (TP Quy Nhơn) quy mô 117 ha, lấp đầy 25 DN - cùng chủ đầu tư, cũng diễn ra tình trạng nhiều nhà đầu tư chuyển nhượng dự án hoạt động; một số nhà đầu tư lớn hoạt động kém hiệu quả, nợ tiền thuê đất lên đến cả triệu USD.
Trên thực tế không phải KCN nào cũng đủ khả năng để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong 9 KCN của tỉnh, mới có 3 KCN cơ bản lấp đầy là Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa (giai đoạn 1). 3 KCN Hòa Hội, Cát Trinh, Long Mỹ (giai đoạn 2) mới được bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020, hoặc mới thu hút được nhà đầu tư hạ tầng. Còn lại 3 KCN thì Bình Nghi đang lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Bồng Sơn và Bình Long chưa được đưa vào quy hoạch hệ thống KCN Việt Nam.
Theo ông Phan Viết Hùng, Luật Đầu tư 2014 quy định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, riêng việc lựa chọn nhà đầu tư, thành lập KCN, thực hiện thủ tục quy hoạch… cũng đã mất khoảng vài năm, điều này khiến một số cơ hội tốt trôi qua rất đáng tiếc. Chưa kể, năng lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư hạ tầng KCN, nếu không đảm bảo sẽ càng kéo dài thời gian.
Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng KCN thường kéo rất dài, do tình trạng khiếu nại của người dân về giá trị bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng; chính sách ưu đãi đầu tư thay đổi, chủ đầu tư hạ tầng phải tự bỏ kinh phí để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Quy định đầu tư mới hoặc mở rộng KCN phải đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện có phải đảm bảo đạt 60% thì mới đủ cơ sở để cho phép thực hiện quy hoạch, đầu tư mới hoặc mở rộng KCN cũng dẫn đến chậm đưa KCN vào hoạt động.
“Hiện, tỉnh đang đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN Hòa Hội, Bình Nghi, Cát Trinh sớm hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng, tạo lập quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư theo nhu cầu. Quyết tâm thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính góp phần hỗ trợ nhà đầu tư; hoàn thiện hệ thống chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng KCN. Tỉnh cũng không ngừng đầu tư và hoàn thiện hệ thống giao thông trọng điểm về đường bộ, đường thủy, hàng không, tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp những tuyến giao thông trọng điểm… Quan trọng hơn, định hướng thu hút đầu tư vào các KCN tập trung bám chắc diễn biến của thế giới để chuẩn bị một số quỹ đất công nghiệp đảm bảo đón đầu làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển trục đầu tư sản xuất đối với các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp”, ông Phan Viết Hùng nhấn mạnh.
THU HIỀN