Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở Việt Nam có thể gấp đôi vì Covid-19
Ngày 18.8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo chung cho thấy, triển vọng việc làm của hơn 660 triệu thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị thách thức nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Báo cáo nêu rõ, từ trước đại dịch, giới trẻ đã phải đối mặt với thách thức trên thị trường lao động, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng Covid-19. Tác động của nó có thể tạo ra một "thế hệ bị cách ly" - những người sẽ gánh hậu quả của cuộc khủng hoảng này trong một thời gian dài.
Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh chóng trong quý I-2020, đặc biệt là tại các nước: Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại phần lớn các nước trong khu vực có thể cao hơn gấp đôi so với năm 2019, với nguy cơ cao là các nước: Ấn Độ (32,5%), Indonesia (25,5%), Mông Cổ (30,4%), Sri Lanka (37,8%)…
Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ được báo cáo dự đoán sẽ ở mức 10,8% đến 13,2%, tức là gần gấp đôi so với mức 6,9% của năm 2019. Người trẻ tuổi tại Việt Nam sẽ chứng kiến sự biến mất của 370.000 việc làm nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát. Trong trường hợp xấu, con số này có thể lên tới 548.000 việc làm.
Báo cáo cũng chỉ ra, có gần một nửa số lao động trẻ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng, trong đó có bán hàng, sản xuất, dịch vụ ăn uống và lưu trú... Điều này là một trong những lý do khiến người trẻ phải đối mặt với sự gián đoạn thị trường lao động và mất việc làm nhiều hơn người trên 25 tuổi. Việc bị gián đoạn quá trình học tập và đào tạo, gặp rào cản khi chuyển từ môi trường học tập sang làm việc, cũng như chuyển đổi việc làm… là những yếu tố cản trở nỗ lực tìm kiếm việc làm.
Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ trong khu vực cần có giải pháp khẩn trương ứng phó, như: Tham gia đối thoại chính sách với thanh niên về các biện pháp can thiệp khẩn cấp tập trung vào thị trường lao động; triển khai các chính sách toàn diện về thị trường lao động trong đó có trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm khu vực công; giảm thiểu các tác động đối với các sinh viên trẻ tuổi do gián đoạn quá trình giáo dục và đào tạo; sớm kiểm soát dịch bệnh…
Theo HOÀNG LINH (HNM)