Có gì trong mùa thu?
Tên của bốn mùa trong năm (xuân, hạ, thu, đông) đều là những từ Việt gốc Hán. Riêng [mùa] hè là một biến âm của hạ (xin xem bài Từ đâu mà có “mùa hè” đăng trên báo Bình Định ngày 7.7.2018).
Chữ thu trong mùa thu có tự dạng gồm chữ hòa (lúa) bên trái, chữ hỏa (lửa) bên phải. Nghĩa hội ý của nó là “lúa có màu lửa”, tức “lúa đã chín”. Nét nghĩa đầu tiên của thu là “lúa chín”. Từ đó, người ta gọi mùa có lúa chín là mùa thu. Như vậy, tên của mùa thứ ba trong năm được gọi theo đặc điểm tự nhiên nổi bật trong mùa đó. Ở nước ta, với vụ Hè Thu (cùng với Đông Xuân là hai vụ lúa chính), mùa thu cũng là mùa lúa chín.
Chữ thu này còn một số nghĩa nữa như “lúc, buổi”, “bay nhảy, bay lượn”, “họ Thu” nhưng vào tiếng Việt, những nét nghĩa này không được dùng. Người Việt mượn chữ thu để gọi mùa thứ ba trong năm, như trong: thu phân, trung thu, gió thu, đêm thu, vụ thu…
Từ nghĩa chỉ một mùa, thu được hoán dụ để chỉ nghĩa “một năm” (bởi mỗi năm chỉ có một mùa thu), chẳng hạn trong cách nói: “ba thu” (tức “ba năm”, như câu Ba thu dọn lại một ngày dài ghê); “thiên thu” (“nghìn năm”, như trong câu nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại [một ngày ở tù như nghìn năm ở ngoài]; hoặc rộng hơn chỉ “muôn đời”, như câu thiên thu vĩnh biệt).
Cảnh vật trong mùa thu thường đẹp, trong trẻo, lãng mạn. Người xưa thường dùng đó để tả vẻ đẹp của con người. “Làn thu thủy”, “khóe thu ba” (sóng mắt như sóng nước mùa thu) mà ta thường gặp trong văn chương trung đại là những cách dùng như thế.
Với nhiều nước, mùa thu là một mùa đẹp, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca nhạc họa. Ở nước ta, mùa thu còn mang một giá trị khác. Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lịch sử dân tộc sang trang mới. Các cụm từ “mùa thu cách mạng”, “mùa thu tháng Tám” từ lâu đã đi vào tâm khảm người Việt với niềm tự hào sâu xa về một mùa thu vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ