Những gam màu sáng của giáo dục An Lão
Dù là huyện miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, huyện An Lão đã dành cho lĩnh vực giáo dục sự quan tâm đặc biệt. Nhờ vậy, giáo dục An Lão đã có nhiều đổi thay tích cực, thêm nhiều mảng màu tươi sáng.
Quan tâm, tập trung đầu tư cho giáo dục
Nghe tôi hỏi, rất tâm đắc, ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trò chuyện: Đợt vừa rồi tôi có đi kiểm tra giáo dục ở An Lão, lên xã An Toàn, được nghe phụ huynh chủ động bày tỏ mong muốn Nhà nước tổ chức dạy bán trú cho trẻ mầm non. Một chuyện nom đơn giản vậy nhưng nó cho thấy ngành giáo dục ở đây tạo được niềm tin rất lớn trong đồng bào. Người dân thật sự tin về lợi ích của bán trú nên mới có chuyện đến cả một nơi nhỏ lẻ, xa xôi, không có nhiều học sinh cũng mong muốn điều đó. Hơn nữa huyện cũng rất đầu tư, quan tâm về cơ sở vật chất, trường lớp, tài liệu học tập… Nhờ đó giáo dục An Lão có nhiều điểm nổi bật không chỉ so với các huyện miền núi mà còn với một số huyện đồng bằng.
Ở An Lão, trường lớp là hạng mục xây dựng được ưu tiên đầu tư nhằm tạo điều kiện thật tốt cho việc dạy và học.
Đến nay, trong các huyện miền núi, ở cấp học mầm non chỉ có An Lão dạy bán trú, và dạy ở 7 trong tổng số 10 trường. Năm học tới, huyện có dự định tổ chức bán trú thêm Trường mẫu giáo An Dũng. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT An Lão, cho biết: Cũng muốn làm một lượt vì đồng bào cũng tha thiết quá, nhưng vì còn nhiều khó khăn nên chúng tôi chỉ có thể làm từng bước một. Mới rồi, cũng xin được huyện hơn 60 triệu đồng để mua tài liệu tăng cường tiếng Việt cho các trường mầm non và tiểu học. Trong giai đoạn 2020 - 2025, chúng tôi sẽ tổ chức bán trú thí điểm cho 1 trường tiểu học, từ đó rút ra kinh nghiệm rồi sẽ nhân rộng sau vì tổ chức bán trú cho tiểu học ở miền núi không phải đơn giản.
Để giảm độ hẫng hụt cho học sinh mẫu giáo khi bước vào lớp 1, đồng thời đảm bảo khách quan, cuối năm học, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức cho các trường kiểm tra chéo, kiểm tra trực tiếp với học sinh cho các em thực hiện các kỹ năng. Những em nào còn yếu, trường sẽ tổ chức bồi dưỡng thêm. Không chỉ vậy, trong nỗ lực hỗ trợ rất lớn, các trường tiểu học ở An Lão còn tổ chức dạy miễn phí từ 1 - 2 tuần để các học sinh tương lai của mình quen dần với trường lớp, trước khi vào năm học chính thức. Các em được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản như tư thế ngồi, cách cầm bút, cách tổ chức lớp học ở trường học mới…
Những gam màu sáng
Nhờ thực hiện bán trú, kết thúc năm học 2019 - 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng, chiều cao của trẻ ở An Lão giảm từ 6 - 9,5% so với đầu năm. Ngoài ra, một số trường còn mạnh dạn đề xuất với phụ huynh tăng tiền ăn của những trẻ suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng nhằm tăng bữa ăn, chất lượng bữa ăn cho trẻ. Riêng Trường mầm non huyện An Lão còn xã hội hóa để tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Trong 2 năm học gần đây, An Lão là huyện miền núi duy nhất có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là những giải học sinh giỏi đầu tiên của huyện miền núi ở Bình Định.
Điểm bất ngờ là 100% trường tiểu học ở An Lão đăng ký cho học sinh lớp 1 học tiếng Anh tự chọn. Nói bất ngờ là bởi một số trường ở đồng bằng chưa thể làm được như vậy. Ông Nguyễn Văn Hà cho biết thêm: Phụ huynh ở đây cũng rất mong muốn con em có điều kiện học tập thật tốt nên luôn đồng hành với nhà trường. Việc 100% trường đăng ký dạy tiếng Anh tự chọn sẽ triển khai vào năm học 2020 - 2021. Tất nhiên, ở lớp 1 các em cũng chỉ học làm quen thôi, bên cạnh đó, các em học sinh dân tộc thiểu số còn được tăng cường tiếng Việt nữa.
Ông Đinh Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng, chia sẻ thêm: Ban đầu chúng tôi tổ chức họp phụ huynh và thông báo về chương trình tiếng Anh tự chọn, phụ huynh thảo luận rất sôi nổi và thống nhất. Tuy nhiên, trường miền núi ít học sinh, lại nhiều điểm lẻ, giáo viên tiếng Anh phải vất vả di chuyển nên chúng tôi cân nhắc mức đóng góp của phụ huynh để giáo viên, phụ huynh đều cảm thấy hợp lý.
Trong 2 năm học gần đây, An Lão là huyện miền núi duy nhất có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là những giải học sinh giỏi đầu tiên của huyện miền núi ở Bình Định. Giải thưởng không chỉ động viên các em học sinh mà còn là niềm vui lớn của giáo viên và ngành giáo dục huyện. Để có những bước tiến bộ như vậy, nhà trường, giáo viên cũng nỗ lực nhiều. Đa số các trường đều tăng số tiết dạy bồi dưỡng, ngoài ra giáo viên còn tự ôn luyện thêm cho học sinh.
Ông Hồ Văn Tự, Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa, cho biết: Vào đầu năm trường đã tổ chức cho các em thi để chọn ra những em học tốt, sau đó ôn và tham gia kỳ thi của huyện, những em đạt giải lại tiếp tục ôn luyện. Dù vậy, không chỉ có học tập, hằng năm nhà trường tổ chức tham quan, dã ngoại cho học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên vào cuối năm học. Thêm vào đó là buổi tham quan dành cho các em học tiến bộ. Chúng tôi không nặng nhẹ chuyện giỏi hay khá. Chúng tôi hiểu tiến bộ là các em thêm vui học và tiến bộ là vượt lên so với chính mình.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão phấn khởi cho biết, không chỉ ở cấp huyện tập trung đầu tư cho giáo dục, chúng tôi cũng động viên thầy cô các trường phối hợp tốt với cấp xã để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động con em đến trường, xây dựng cơ sở vật chất, bê tông hóa đường đến trường… tất cả nhằm giúp học sinh miền núi có điều kiện học tập tốt hơn. Và đặc biệt thầy cô phải thương yêu học sinh của mình hơn.
THẢO KHUY