Ngành thủy sản tăng trưởng vượt bậc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: Ngành thủy sản tỉnh tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
● Ông có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật của ngành thủy sản trong giai đoạn 2016 - 2020?
- Từ năm 2016 đến nay, ngành thủy sản luôn giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 6,3 - 6,5%/năm; khai thác tăng 9,4%/năm, nuôi trồng tăng 7,6%/năm.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã giúp ngư dân có điều kiện phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ vươn khơi bám biển tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, hơn 3.000 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 200 - 230 nghìn tấn/năm; riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt 10.000 - 13.000 tấn/năm.
Để phát huy nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ đại dương Bình Định” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận năm 2018, tỉnh đã triển khai hiệu quả chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Bộ NN&PTNT và được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ mô hình ứng dụng công nghệ khai thác, giúp ngư dân nâng chất lượng sản phẩm.
Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hiện có hơn 4.000 ha diện tích nuôi tôm; trong đó, hơn 2.000 ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao của các DN đầu tư tại tỉnh, như: Công ty CP Việt Úc Bình Định, Công ty TNHH Thành Ly… Người dân từng bước ứng dụng KHKT trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi thủy sản tổng hợp, thủy sản nước ngọt, mặn, lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng Trung tâm cá koi Nhật Bản Bình Định, cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), sản xuất giống nước mặn, lợ tại xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) để phục vụ nhu cầu giống thủy sản trong và ngoài tỉnh. Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị gia tăng cao nhất, chiếm 84,7% tổng giá trị nuôi trồng và chiếm 11,3% tổng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản.
Sản phẩm nuôi trồng đảm bảo chất lượng đã góp phần tăng giá trị ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đến nay, có 5 DN hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản tổng kim ngạch khoảng 400 triệu USD/năm.
Tàu cá của ngư dân huyện Phù Cát xổ mành (giặt lưới) chuẩn bị cho chuyến biển mới.
● Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo; ông đánh giá thế nào về những kết quả này?
- Phải khẳng định, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản vào năm 2017, ngành thủy sản cả nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Song, đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng một nghề cá hiện đại, phát triển bền vững hơn.
UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển đã đồng bộ vào cuộc thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, góp phần đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nền nếp. Đến nay, hầu hết số tàu khai thác thủy sản xa bờ của tỉnh đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; ngư dân tuân thủ các quy định khai báo trước 1giờ, làm đủ thủ tục trước khi ra vào cảng, ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác; công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản thực hiện chặt chẽ. Nhờ đó, tình trạng tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài giảm hẳn, nếu năm 2017 có gần 100 tàu cá vi phạm thì năm nay chỉ còn 4 tàu vi phạm.
Nói gì thì nói, việc thực thi Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU phải đảm bảo hài hòa lợi ích của ngư dân và tính nghiêm minh của pháp luật.
Cá ngừ đại dương là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh.
● Thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung những giải pháp cụ thể nào để tiếp đà tăng trưởng của ngành thủy sản, thưa ông?
- Để tạo đà phát triển cho ngành thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, tỉnh ta tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với những giải pháp, chính sách cụ thể, hướng đến phát triển trên tất cả lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ nhiên liệu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, đào tạo nghề cho ngư dân. Từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan gắn với khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; hình thành các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, đóng mới tàu cá tập trung của tỉnh. Thu hút DN đầu tư nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản ứng dụng công nghệ cao; nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thủy sản hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo, nâng cao chất lượng con giống có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng con giống…
Quan trọng nhất là đẩy mạnh hơn nữa công tác thực thi Luật Thủy sản, các giải pháp chống khai thác IUU, nhằm chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)