Kiến nghị Trung ương gỡ khó xuất khẩu titan
Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các DN khoáng sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu titan. Hiện số lượng quặng titan tồn kho lên đến 454 nghìn tấn.
BIMICO là một trong số DN khoáng sản hàng đầu của tỉnh, nhưng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu titan.
- Trong ảnh: Một điểm khai thác titan của BIMICO.
10 năm trở về trước, với trữ lượng sa khoáng titan dồi dào, Bình Định trở thành một trong những địa phương được mệnh danh là “thủ phủ vàng đen”. Có thời điểm, trên địa bàn tỉnh có 23 DN được cấp tới 38 giấy phép khai thác titan; trong đó, Bộ TN&MT cấp 7 giấy phép với diện tích hơn 1.129 ha, UBND tỉnh cấp 31 giấy phép gần 1.103 ha. Bình quân mỗi năm, các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu hơn 318 nghìn tấn titan, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD. Nhiều DN khoáng sản từng là “thương hiệu mạnh”, như: Công ty CP Khoáng sản Bình Định (BIMICO), Công ty CP Khoáng sản Biotan, Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, Công ty TNHH Ánh Vy, Công ty TNHH Phú Hiệp…
Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các DN gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trần Cảnh Thịnh, Phó Tổng Giám đốc BIMICO, do thời hạn giấy phép xuất khẩu titan ngắn (chỉ 1 năm), nhiều DN khoáng sản Việt Nam bị DN nước ngoài lợi dụng việc này để trì hoãn, ép giá. Trước tình hình đó, DN đành gác lại, không bán hàng để chờ giá lên mới bán, dẫn đến tình trạng tồn kho titan ngày càng nhiều. Thêm vào đó, năm 2020 dính dịch Covid-19 càng làm cho DN khoáng sản lao đao. Hiện, BIMICO còn tồn kho trên 31.000 tấn titan. 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của DN đã giảm 25% so cùng kỳ năm 2019.
Còn ông Nguyễn Hoàng Sâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Tấn Phát, cho biết: Thuế xuất khẩu titan cao (15%) khiến giá sản phẩm đội lên, khó bán, dẫn đến tình trạng hàng tồn đọng ngày càng nhiều. Không chỉ phải trả lãi vay đầu tư sản xuất, thời gian qua DN còn lo thêm chi phí thuê kho chứa titan.
Theo Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn kho lượng titan các loại theo giấy phép của Bộ Công Thương lên đến 454.502 tấn. Đó là các loại: Tinh quặng Ilmenite, quặng đuôi Ilmenite, quặng đuôi hỗn hợp… Trong số này, DN có lượng titan tồn đọng nhiều là Công ty TNHH Thành An (trên 101 nghìn tấn); Công ty TNHH Vạn Đại (gần 110 nghìn tấn); Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy (trên 67.000 tấn); Công ty CP Khoáng sản Biotan (gần 49.000 tấn); Công ty CP Khoáng sản Bình Định (trên 31.000 tấn)… Nhiều DN khoáng sản có hoạt động xuất khẩu titan đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị về việc cho phép, tạo điều kiện cho các DN khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định được xuất khẩu khối lượng titan tồn kho còn lại theo giấy phép cấp năm 2018. Trong đó, để tránh tình trạng bị khách hàng ép giá, UBND tỉnh đề xuất cho phép DN được xuất khẩu hết lượng hàng titan tồn kho còn lại theo giấy phép, sau khi DN tự cân đối số lượng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương về giải quyết tình trạng này. Mới đây, ngày 12.8, Bộ Công Thương đã trực tiếp vào Bình Định kiểm tra thực tế tình hình titan tồn kho của các DN khoáng sản để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương và các DN khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc kiến nghị cho xuất khẩu hết lượng titan còn tồn kho, các DN cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng thời hạn giấy phép xuất khẩu titan lên 3 - 4 năm. Bởi, theo ông Nguyễn Hoàng Sâm, thời hạn giấy phép xuất khẩu titan chỉ có 1 năm như hiện nay là quá ngắn, dẫn đến tình trạng DN nước ngoài lợi dụng để ép giá.
Ông Ngô Văn Tổng cho hay: Điều đáng mừng là hầu hết đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh và DN được đoàn công tác Bộ Công Thương ghi nhận, cơ bản thống nhất để báo cáo Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh và DN.
VIẾT HIỀN