Minh bạch thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ
TS Lê Công Nhường
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 18/KH-UBND thực hiện Quyết định 100/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh. TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Ðây là giải pháp minh bạch thông tin về sản phẩm, hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
● Mục đích, ý nghĩa của việc triển khai kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh ta là gì, thưa ông?
- Truy xuất nguồn gốc là giải pháp minh bạch thông tin giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm về hàng hóa đã chọn; giúp DN quản lý nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác. Đây cũng là cách giúp sản phẩm địa phương có được “giấy thông hành” xuất khẩu, đồng thời góp phần chống tình trạng hàng hóa các nước khác “đội lốt” Việt Nam để xuất đi nước ngoài.
Kế hoạch triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình áp dụng và chứng nhận truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, nâng cao chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện, nhiều người đang nhầm lẫn giữa truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm có dán mã QR code. Thật ra, trên một sản phẩm có dán mã QR code chỉ mới là truy xuất thông tin. Theo dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Bộ KH&CN, truy xuất nguồn gốc chuẩn phải thể hiện được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, thông tin sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho tới chế biến và tiêu thụ, gồm các thông tin như đơn vị gia công, sản xuất, đóng gói cho đến khi làm ra sản phẩm đó, tóm lại là nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm.
Hội thảo về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh được Sở KH&CN tổ chức tháng 6.2020 vừa qua.
● Cụ thể, kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc tại tỉnh ta?
- Việc có nhiều DN ứng dụng mã QR code thời gian qua là cơ sở quan trọng để Sở KH&CN triển khai truy xuất nguồn gốc. Theo kế hoạch UBND tỉnh, truy xuất nguồn gốc phải đặc biệt chú trọng các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Sở KH&CN sẽ tiến hành áp dụng thí điểm cho một số sản phẩm chủ lực.
Trong năm 2020, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các sở, ban, ngành cũng như tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc; phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên, để từ đó lựa chọn một số mô hình điểm. Hiện, Sở đang xúc tiến triển khai truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm mì lát xuất khẩu, tập trung vào 4 DN lớn trong tỉnh.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở KH&CN đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm trọng điểm (chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh), sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm OCOP xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc. Thực hiện chính sách, quy định, danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc về truy xuất nguồn gốc.
Giai đoạn 2026 - 2030, mở rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc tối thiểu 30% DN hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; thực phẩm; thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện kết nối vào hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
● Những giải pháp nào để triển khai hiệu quả truy xuất nguồn gốc, thưa ông?
- Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở KH&CN tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Hiện, Sở đang triển khai xây dựng dữ liệu, danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm, ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm OCOP. Căn cứ vào mức độ an toàn, khả năng thực thi và yêu cầu của thị trường xuất khẩu để ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc theo lĩnh vực quản lý của các sở, ban, ngành liên quan.
Ngoài ra, Sở cũng tiến hành khảo sát, phân loại để lựa chọn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và DN triển khai truy xuất nguồn gốc.
Một vấn đề quan trọng là triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để phát triển các giải pháp và công nghệ, ứng dụng trong hoạt động truy xuất nguồn gốc của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
● Xin cảm ơn ông!
HỒNG HÀ (Thực hiện)