Quy Nhơn lan tỏa nhiều mô hình sáng tạo, việc làm ý nghĩa
Để tạo sự lan tỏa trong việc học tập và làm theo gương Bác, Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn tập trung hướng dẫn, tuyên truyền các mô hình tiêu biểu, cổ vũ gương người tốt việc tốt làm theo gương Bác; vận động các văn nghệ sĩ, nhà báo tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, các cơ quan thông tin tuyên truyền của thành phố đã đăng, phát hơn 370 bản tin, 120 bài viết về chủ đề học tập và làm theo Bác Hồ…
Ban Tuyên giáo Thành ủy còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới có tác động tích cực trong xã hội. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử truyền thống cách mạng TP Quy Nhơn” bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng hướng về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Với những cách làm sáng tạo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn đã góp phần nhân rộng các mô hình tiêu biểu làm theo Bác trên địa bàn thành phố. LLVT thành phố có mô hình “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” với nội dung siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, chiến sĩ LLVT gắn với các phong trào thi đua của đơn vị. Đảng bộ các phường xây dựng các mô hình: “Đảng viên hăng hái tham gia gánh vác nhiệm vụ địa phương” (phường Bùi Thị Xuân); “3 không, 3 đúng, 3 nên, 3 cần, 3 chống” (phường Nguyễn Văn Cừ); “Người đảng viên sống đẹp”, “Chia sẻ nỗi đau” (phường Ngô Mây). Hội LHPN thành phố vận động quyên góp tặng cho phụ nữ khó khăn trên địa bàn 10 sổ tiết kiệm trị giá 6 triệu đồng, 10 thẻ BHYT với số tiền hơn 7 triệu đồng… Trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt như: Cụ Nguyễn Thị Bảy và con gái Hoàng Thị Lê (ở KV 1, phường Lê Hồng Phong) thu gom phế liệu bán lấy tiền giúp người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tàn tật, người mắc bệnh hiểm nghèo. Cụ Võ Thị Vân Khanh (KV 4, phường Lý Thường Kiệt) xin những tấm vải thừa tại các tiệm may về khâu hơn 30 tấm chăn tặng phụ nữ nghèo huyện Vân Canh và trẻ em làng SOS Quy Nhơn. Ông Nguyễn Phi Long, hội viên CCB (KV 3, phường Hải Cảng) nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đến trường.
Thời gian gần đây, một số mô hình mới được triển khai nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực như: “Chia sẻ nỗi đau da cam” (phường Trần Hưng Đạo), đỡ đầu 4 nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 32 triệu đồng; “Hạt gạo ấm lòng người khuyết tật” (phường Trần Quang Diệu) hỗ trợ 10 kg gạo/hộ khuyết tật/quý; “Giúp đỡ phụ nữ nghèo có địa chỉ” (phường Ngô Mây) tặng 35 suất quà trị giá 9 triệu đồng cho phụ nữ nghèo trên địa bàn…
QUY THÀNH