Để các di tích sạch và đẹp
Tỉnh Bình Định hiện có 133 di tích đã xếp hạng ở đủ các loại hình: Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tại lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại tỉnh Bình Định vào tháng 7.2020, Sở VH&TT đã nêu thực trạng vệ sinh môi trường tại di tích còn nhiều hạn chế.
Kinh phí đầu tư do ngân sách cấp đến nay còn nhiều hạn hẹp, chủ yếu ưu tiên dành để chống xuống cấp cấp thiết các di tích, chứ chưa có nhiều cho công tác bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tại các di tích. Các địa phương trong tỉnh hầu như chưa bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường di tích trên địa bàn.
Cách đây khá lâu, Sở VH&TT đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng mới nhà vệ sinh tại một số điểm di tích chưa có nhà vệ sinh, hoặc có nhà vệ sinh đã xuống cấp, chưa đạt chuẩn, thiếu trang thiết bị cần thiết, nhằm từng bước chuẩn hóa hệ thống nhà vệ sinh tại các điểm di tích tiêu biểu. Từ năm 2018, Sở KH&ĐT đã có quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tại Bảo tàng Quang Trung, tháp Bánh Ít, tháp Đôi... Mọi thứ được triển khai rất nhanh nhưng khi đến phần kinh phí thì… tắc. Từ đó đến nay vẫn chưa thể bố trí được vốn để thi công.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại di tích, việc phải có nhân viên vệ sinh là cần thiết. Đó là chưa kể, dù đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân và du khách cùng tham gia bảo vệ di tích, thực hiện nội quy về vệ sinh môi trường di tích và nếp sống văn minh trong các lễ hội tổ chức ở di tích, nhưng ý thức chấp hành của nhiều người còn chưa cao. Tình trạng bỏ rác, tập kết rác trong hoặc gần khu vực di tích vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường di tích, buộc phải có lực lượng dọn dẹp thường xuyên.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, về nhân lực, hiện Bảo tàng chưa thể vừa quản lý, phục vụ khách tham quan, vừa đảm bảo các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích. Trên địa bàn tỉnh, chỉ có một số ít di tích như các tháp Chăm tiêu biểu được tổ chức quản lý, bố trí 1 - 2 nhân viên bảo vệ kiêm công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc di tích.
Việc thu gom rác thải tại các điểm di tích cần được quan tâm hơn. Đối với các di tích ở trên tuyến thu gom rác của địa phương thì thuận lợi, còn lại các di tích chủ yếu trên địa bàn nông thôn, di tích vùng sâu, vùng xa không tổ chức thu gom rác tại địa phương, nên trước mắt phải xử lý rác theo cách đào hố chôn, về lâu dài gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích một cách bền vững.
MAI THƯ