Phù Cát tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở huyện Phù Cát đã đạt kết quả khá tốt.
Trước tiên, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; phổ biến kịp thời Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Ðối với người dân, huyện tích cực vận động bà con thay đổi thói quen, tập quán ăn uống không hợp vệ sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe; phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn, khuyến khích người dân lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức hội nghị nhân Tháng hành động vì ATTP, các buổi nói chuyện trực tiếp, tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bếp trưởng Nhà hàng Nam Khải Phát (xã Cát Tân) đang chế biến thức ăn.
Hiện nay, toàn huyện có trên 145 nhà hàng, quán ăn và 23 chợ. Nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho cán bộ quản lý, chuyên trách về vệ sinh ATTP; mở các lớp xác nhận kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP từ huyện đến xã còn chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đặc biệt trong mùa nắng nóng, ngoài công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm về ATTP.
Bà Nguyễn Thị Nhung, phụ trách Nhà hàng Nam Khải Phát, ở xã Cát Tân, cho biết: “Nhà hàng chúng tôi được Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP huyện hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên. Chúng tôi luôn chấp hành tốt quy định về vệ sinh ATTP như: Bố trí khu nhà bếp, chế biến thực phẩm và khu ăn uống tách riêng, một cửa vào một cửa ra; mua thực phẩm ngon tươi, có xuất xứ rõ ràng; dụng cụ nấu ăn được tiệt trùng trước khi nấu và nhân viên được khám sức khỏe định kỳ”.
Để duy trì tình hình vệ sinh ATTP ở mức khá tốt, Phù Cát thực hiện thống kê, phân loại, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Những cơ sở yếu kém được quan tâm hướng dẫn để đạt được các điều kiện như quy định. Nhờ vậy, nhận thức, trách nhiệm về vấn đề vệ sinh ATTP của người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đã dần được nâng lên.
Bác sĩ Hồ Văn Tuấn, Trưởng Phòng Y tế huyện Phù Cát, thường trực Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP huyện, nhận xét: “Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện, đã chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP. Ý thức của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn cũng đã tốt hơn trước rất nhiều. Nhiều năm qua trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cũng được kiểm soát kịp thời. Chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, để duy trì và phát huy kết quả này nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân”.
HỒNG NHÂN - THẾ HÀ