Ân cần, chu đáo với người cách ly
Trong suốt những ngày cùng ăn, cùng ở và cùng... “chiến đấu” với đại dịch Covid-19 tại nơi cách ly, những ân cần, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã để lại thiện cảm đối với nhiều người.
Đồn Biên phòng Tam Quan Nam siết chặt kiểm tra, kiểm soát tất cả các phương tiện, người ra vào cửa biển Tam Quan.
Tất cả vì công dân cách ly
Trung đoàn Bộ binh 739 là một trong 3 điểm cách ly tập trung do Bộ CHQS tỉnh quản lý. Có mặt ở Trung đoàn vào sáng sớm, trong mắt chúng tôi là không khí khá yên tĩnh với hình ảnh nhiều công dân ra sân tập thể dục như là cách thư giãn. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những cán bộ mặc trang phục chuyên dụng đi phun thuốc sát khuẩn hay anh quân nuôi tất bật chuẩn bị bữa sáng cho công dân cách ly.
Ðến chiều 21.8, có 343 trường hợp đang được cách ly tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát); Trung đoàn Bộ binh 739 và Ðại đội Công binh (đều ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn). Công dân cách ly y tế tại các điểm cách ly có tiêu chuẩn tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày và nhu yếu phẩm là 40.000 đồng/người/ngày.
Vừa xuống ô tô đến Trung đoàn sau hành trình dài đi xe máy từ Đà Nẵng về, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) được cán bộ của Trung đoàn hướng dẫn khai báo y tế, cấp khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và nhận phòng cách ly. Trinh kể: “Về đến điểm cách ly, tôi thấy như được về nhà mình. Mọi thứ đều rất chu đáo. Giường, chiếu, chăn, màn mới tinh, còn thơm mùi vải và các đồ thiết yếu đều rất đầy đủ. Các chú bộ đội rất tuyệt vời, không ai lộ vẻ mệt mỏi”.
Theo thượng tá Võ Hồng Thư, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 739: Trong thời gian cách ly 14 ngày tại đơn vị, mỗi công dân được bảo đảm nơi ở và nhu yếu phẩm thiết yếu. Hằng ngày được quân y kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh... Tất cả các công dân đều vui vẻ, yên tâm thực hiện cách ly y tế trong môi trường đặc biệt này. “Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều làm việc tận tâm, trách nhiệm, coi người dân cách ly như người thân của mình. Các anh đều xác định rõ nhiệm vụ bao giờ hết dịch, không còn người cách ly mới về với gia đình”.
Một trong những khâu vất vả nhất tại các điểm cách ly là công tác bảo đảm hậu cần, chăm lo bữa ăn cho công dân. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ trong bộ phận nuôi quân làm việc không ngơi tay trong khu nhà bếp. Mỗi người một việc, ai nấy đều nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao. Thượng úy Nguyễn Văn Hòa, phụ trách nuôi quân tại điểm cách ly ở Đại đội Công binh, chia sẻ: “Anh em phục vụ tại đây đều xác định tất cả vì sự an toàn, khỏe mạnh cho những người cách ly. Do đó, không chỉ ngày ngày phục vụ bảo đảm 3 bữa ăn mà chúng tôi còn luôn cải tiến cách chế biến, chia định suất, mang cơm lên tận phòng ở, dọn dẹp vệ sinh... Sau mỗi bữa ăn, chúng tôi đều lắng nghe các góp ý để có sự điều chỉnh phù hợp. Cứ thế, cán bộ, chiến sĩ ở điểm cách ly kín việc từ sáng sớm đến đêm khuya”.
Tấm tắc khen cơm bộ đội ngon, anh Đặng Thành Đô (quê huyện Phù Mỹ), bày tỏ: “Với những suất cơm này, 14 ngày ở điểm cách ly của Đại đội Công binh, anh em thanh niên rất dễ tăng cân ấy chứ”.
Bộ phận nuôi quân làm việc không ngơi tay để chăm lo từng bữa ăn cho công dân cách ly.
Trách nhiệm, không quản nguy nan
Theo trung tá Mai Đặng Toàn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh): Hiện nay việc cách ly tập trung tại các điểm cách ly do Bộ CHQS tỉnh quản lý gặp nhiều khó khăn do số lượng công dân từ vùng dịch trở về tương đối nhiều và quy định giãn cách 2 m, không ở giường tầng. Tuy nhiên, với tinh thần “tất cả vì công dân cách ly”, Bộ CHQS tỉnh xác định phải đảm bảo tốt công tác hậu cần, phối hợp nhịp nhàng với lực lượng liên quan. “Những ngày ở điểm cách ly tập trung, bà con được chăm lo từ việc nhỏ nhất. Cả một bộ máy vận hành phía sau đồng bào về từ vùng dịch, trong lặng lẽ. Anh em cán bộ, chiến sĩ lo từng bữa ăn, chuẩn bị sẵn sàng từng chiếc giường, chiếc chiếu, đến công tác khử trùng, dọn dẹp vệ sinh trong khu dịch”, trung tá Toàn chia sẻ.
Trong khi đó, các đơn vị của BĐBP tỉnh cũng luôn xác định và quán triệt công tác bảo vệ biên giới là nhiệm vụ chính trị. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Đại úy Lê Hữu Minh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Quan Tam, chia sẻ: “Chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành tại cửa biển Tam Quan hoạt động 24/24 giờ, vừa làm công tác xuất nhập cảnh cho bà con ngư dân, vừa triển khai các biện pháp siết chặt kiểm tra, kiểm soát tất cả các phương tiện, người ra vào cảng cá. Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh”.
Những ngày này, cũng đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương để cùng các lực lượng khác giúp sớm sàng lọc được những người nghi nhiễm. Những người làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch không chỉ có nỗi vất vả đơn thuần mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với họ cũng rất cao. Đại úy Trần Trung Tiến (Ban CHQS TX Hoài Nhơn), chia sẻ rằng nhà anh chỉ cách chốt kiểm dịch tại đèo Bình Đê hơn 8 km nhưng đến giờ anh chỉ được gặp vợ con qua điện thoại. “Có khi đứng làm nhiệm vụ liên tục, chân tay mỏi rã rời nhưng chúng tôi vẫn không rời vị trí vì lượng xe ra vào quá đông, mình chỉ cần nghỉ một lúc, cả tuyến đường sẽ ách tắc”, đại úy Tiến chia sẻ.
* * *
Căng mình ngay trong vùng nguy cơ cao nhất về dịch, trên hết, vẫn là tinh thần sẵn sàng vì nhiệm vụ, vì an nguy của đồng bào. Lần lượt từng người rời khỏi, bộ đội luôn là người đứng lại sau lưng họ, làm những người cuối ở điểm cách ly. Sau khi bà con hoàn thành cách ly, những cái vẫy tay chào là món quà duy nhất gửi lại cho các anh bộ đội. Quà, dành cho những ân cần, từ người lính!
HỒNG PHÚC