Chuyển đổi nghề cho ngư dân trên địa bàn tỉnh: Cần thêm giải pháp hiệu quả hơn
Tháng 11.2019, UBND tỉnh ra quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động nghề cấm trong khai thác thủy sản, thời gian thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch còn gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Phương tiện thúng chai làm nghề lưới lồng trên đầm Đề Gi.
Theo Sở NN&PTNT, cả tỉnh hiện có 1.550 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) từ tuyến lộng trở vào; trong đó, có 413 tàu cá có nghề KTTS không được phép hoạt động vùng ven bờ, 140 thuyền máy công suất nhỏ làm nghề xung điện, xiếc máy hoạt động KTTS trái phép trên đầm Đề Gi, Thị Nại gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Việc ban hành kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân trong tỉnh có hoạt động nghề cấm KTTS nhằm hướng đến phát triển các nghề KTTS thân thiện gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, đảm bảo việc làm, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, song để thực hiện hiệu quả không phải dễ. Ngư dân Hồ Văn Lập, một chủ tàu giã cào ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), bộc bạch: “Biển giã bây giờ làm ăn khó khăn lắm! Nhiều chủ tàu phải bỏ tàu hoặc bán tàu, chuyển sang đi “bạn” cho tàu khác. Muốn chuyển từ nghề khai thác này sang nghề khác, không phải nói là làm được ngay, mà cần phải có vốn đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ, thời gian làm quen với nghề mới. Việc tìm được “bạn” đi biển ngày càng khó, do nghề biển thu nhập bấp bênh, lớp thanh niên giờ đã chuyển qua làm bờ ổn định hơn”.
Tại Xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), việc chuyển đổi nghề cho ngư dân gặp thuận lợi hơn. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cả xã có 20 tàu cá làm nghề pha xúc KTTS ven bờ, 5 thuyền nhỏ làm nghề xung điện, xiếc máy trên đầm Đề Gi. Sau thời gian dài vận động, hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi, hiện 5 chủ thuyền làm nghề bị cấm đã chuyển sang nghề nuôi tôm, 20 chủ tàu làm nghề pha xúc đã cải hoán, nâng công suất máy tàu chuyển ra vùng lộng KTTS.
Ngoài nghề xung điện, xiếc máy, hiện trên đầm Thị Nại còn xuất hiện phương tiện làm nghề giã cào bay tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Nhưng không phải địa phương nào thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân cũng hiệu quả. Đối với xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), hiện có 400 phương tiện hoạt động KTTS ven đầm Thị Nại; trong đó, có 80 thuyền máy làm nghề xung điện, xiếc máy, lưới lồng. “Năm 2008, tỉnh có chính sách hỗ trợ tiền cho ngư dân làm nghề xung điện, xiếc máy ở xã chuyển nghề, nhưng vài năm sau họ đã quay lại làm nghề cũ khiến địa phương “đau đầu”. Có trường hợp hành nghề xung điện, xiếc máy bị xã xử phạt hành chính nhiều lần và chuyển sang xử lý hình sự, thế rồi họ cũng vẫn tái diễn vi phạm...”, ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết.
Theo kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân của UBND tỉnh, đối với các tàu cá có số đăng ký, nhưng không được phép hoạt động KTTS vùng ven bờ thì khuyến khích chuyển đổi sang các nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thủy sản, nghề phi nông nghiệp hoặc chuyển sang các nghề hoạt động ven bờ được khuyến khích, như lưới rê, câu tay, mành tôm, lưới vây ngày. Riêng nhóm tàu cá làm nghề xung điện, xiếc máy thì nghiêm cấm hoạt động, tổ chức thu gom, tiêu hủy ngư lưới cụ, không cho chuyển nghề khai thác, chỉ cho phép sử dụng vỏ tàu làm nghề nuôi trồng thủy sản, các nghề phi nông nghiệp.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Việc chuyển đổi nghề theo định hướng của tỉnh là không hỗ trợ tiền cho ngư dân, nên họ chuyển nghề bằng vốn tự có hoặc vốn vay từ các chính sách tín dụng ưu đãi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng địa phương, thực hiện các chính sách đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ngư dân chuyển nghề. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, xử lý phương tiện làm nghề cấm KTTS, hoạt động sai vùng tuyến. Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định danh mục nghề cấm, ngư lưới cụ cấm sử dụng KTTS và trình Bộ NN&PTNT tham vấn ý kiến để có cơ sở pháp lý xử lý triệt để phương tiện làm nghề cấm từ lúc đang neo đậu.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN