Làm cho người ta vui, mình cũng vui theo
Triển khai Ðề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội, từ năm 2010 các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hình thành đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội. Nhiệm vụ của đội ngũ này là giúp đỡ các đối tượng yếu thế trên địa bàn và giúp địa phương nhận diện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. 10 năm qua, đội ngũ này phát huy tốt vai trò và hỗ trợ đắc lực người dân, cộng đồng.
Học sinh là đối tượng cộng tác viên CTXH xã, phường, thị trấn đang hướng tới nhằm giúp các em giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập cũng như cuộc sống.
Công việc “không tên”
Về các địa phương tìm gặp và chuyện trò với đội ngũ làm “nghề của lòng nhân ái và yêu thương” này, nghe họ kể hàng trăm việc “không tên”, trong đó có không ít lần phải “mang tiếng chịu lời”, mới thấy hết sự tử tế và cái tâm sáng của họ. Chị Đỗ Thị Thu Hồng, ở xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) đã 10 năm làm cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) của xã nên có kha khá kỷ niệm với nghề. Chị cho biết một trong những kỷ niệm “nhớ đời” là lần làm thủ tục cấp giấy xác nhận khuyết tật cho một trẻ em ở xã. “Chấm theo thang điểm ứng với độ tuổi hiện tại lúc đó của em này thì không đủ điều kiện nên tôi tư vấn gia đình đợi đến sang năm hãy làm hồ sơ, vì tôi biết sang năm, em này thêm một tuổi, ứng với một giai đoạn khác, một thang điểm khác. Vậy là năm sau, tôi linh hoạt tình hình thực tế, làm sớm giấy cho em và giải thích cặn kẽ cho người nhà những vấn đề phát sinh liên quan. Cuối cùng, người nhà của em cũng hiểu ra nỗ lực của tôi, tuy nhiên, một thời gian dài trước đó họ đi chia sẻ với rất nhiều người sự lo lắng và không tin tưởng về tôi”, chị Hồng tâm sự.
Nếu ví xã hội như một “cơ thể sống” thì trong nó luôn tiềm ẩn hoặc nảy sinh những “căn bệnh” kéo lùi sự phát triển như: Nghèo đói, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, trẻ em bị sao nhãng và xâm hại tình dục, người già cô đơn, bất cập trong thực thi chế độ, chính sách... CTXH là nghề điều trị các “bệnh” đó. Ðể làm được điều này, đội ngũ CTXH phải thâm nhập, sâu sát với địa bàn dân cư, nắm bắt thực tế, thấu đáo tình hình, giải quyết thỏa đáng hoặc tham mưu các cấp, ngành liên quan đưa ra giải pháp phù hợp trên tinh thần đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng.
Đầu năm 2020, Nhà nước hỗ trợ tiền cho một số đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đội ngũ cộng tác viên CTXH tham gia xác minh giấy CMND của đối tượng thụ hưởng tại địa phương. Thế là, gần cả tháng trời chạy ngược chạy xuôi đến từng nhà đối tượng, ban ngày làm không hết phải tranh thủ cả ban đêm. Phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) có hơn 500 đối tượng trong diện thụ hưởng, trong đó nhiều người già yếu, ốm đau không đi lại được, tìm đến tận nhà họ tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn là chuyện đơn giản. “Một số người có hộ khẩu tại địa phương nhưng đã đến ở với con cháu tại phường, huyện, thậm chí tỉnh khác. Để tìm ra họ, tôi phải lần dò qua nhiều nhân mối - từ hàng xóm, người quen biết, chạy tới chạy lui nhiều chỗ, gọi điện cho người này người nọ để tìm được họ”, anh Nguyễn Thanh Hùng, cộng tác viên CTXH phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) nhớ lại.
Một trong những chuyện khiến không ít cộng tác viên cảm thấy “hơi mệt mỏi” là cứ vài ba tháng lại phải làm lại thủ tục nhận trợ cấp ưu đãi cho đối tượng người có công với cách mạng vì do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo quy định, 3 tháng không đến nhận trợ cấp thì Bưu điện tỉnh sẽ báo cộng tác viên thông báo trên đài truyền thanh, nhưng chủ yếu họ đến nhà nhắc nhở, đôn đốc. Quá 9 tháng không đến nhận thì bên bưu điện sẽ tạm dừng phát chế độ và muốn nhận lại thì phải làm lại toàn bộ thủ tục, từ khâu đầu tiên là tờ trình.
Phải có tâm, có tình
10 năm qua, đội ngũ cộng tác viên CTXH đang trở thành “chỗ dựa” của đối tượng yếu thế ở nhiều phường, xã. Với chính quyền địa phương, sự mau mắn, nhiệt tình, sâu sát của họ giúp chính quyền nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đối tượng yếu thế. Việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách với đối tượng này luôn đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao. Theo bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh, cộng tác viên CTXH địa phương là cánh tay nối dài giúp Trung tâm tìm hiểu, xác minh thực tế sự việc, tiếp cận đối tượng, thậm chí có thể tham khảo giải pháp hợp lý.
Việc nhiều, giờ giấc linh hoạt nhưng theo quy định, thu nhập của cộng tác viên CTXH bằng hệ số 0,8 nhân với mức lương cơ bản. “Thu nhập ít vậy liệu có gắn nổi với nghề lâu không?” tôi hỏi những người hiện chỉ làm mỗi công việc cộng tác viên CTXH ở xã, phường, thị trấn như chị Thu Hồng (ở xã Mỹ Cát) vậy thì đa số cho biết nghề này làm lâu rồi sẽ rất khó bỏ.
“Bởi chúng tôi nhận thấy đối tượng mình quan tâm như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… ở địa phương luôn phải được giúp đỡ để có cuộc sống tốt đẹp hơn, thoải mái hơn. Khi làm cho họ vui, mình cũng vui theo. Người ta hay bảo, làm nghề này phải có tâm và có tình, trong nhiều trường hợp áp dụng ngay nguyên tắc sẽ không hiệu quả, mà cần kiên nhẫn, gần gũi, thuyết phục dần mới xong được. Chúng tôi phải theo sát, đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phải làm giùm họ nhiều khâu như người thân thiết, ruột rà. Thu nhập ít là một thực tế, tôi phải luôn cố gắng xoay xở, trang trải để có thể bám nghề, nhưng hiện tại cứ mong được gắn bó hoài với nghề”, chị Hồng nói vậy.
NGỌC TÚ