Giữ gìn nghề gia truyền
Giữ nghề gắn với phát triển kinh tế gia đình là trăn trở của nhiều phụ nữ - lao động chính và là người giữ “tay hòm chìa khóa” ở mỗi nhà. Từ tình yêu với nghề truyền thống của gia đình, nhiều chị đã nỗ lực vực lại nghề, khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp thành công.
Chị Bùi Thị Mười (trái) hạnh phúc giới thiệu những mẻ bánh đầu tiên ra lò sau gần 6 năm ngưng sản xuất tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp TP Quy Nhơn năm 2020.
Giữ nghề
Nghề làm bánh ngọt thủ công của chị Bùi Thị Mười, 53 tuổi, ở KV 4, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn là học được từ chồng. “Nghĩ nhân duyên trời se thật ngộ, mình thích học làm bánh nhưng vụng về, chưa biết bắt đầu từ đâu thì sau đó lại quen, ưng một anh thợ làm bánh! Đồng điệu về sở thích, sau khi lấy nhau, vợ chồng thống nhất chọn đó làm nghề chung, đầu tư mở cơ sở bánh Đồng Tiến. Chồng thợ chính, vợ lo các khâu phụ, dần dà anh truyền hết nghề cho vợ con, tiệm bánh nhỏ gắn với bao ký ức gia đình thân thương khi đủ đầy 4 thành viên”, chị Mười kể.
Song, trong vòng hơn 5 năm qua bận bịu lo toan, tinh thần xuống dốc từ biến cố chồng lâm bệnh rồi qua đời, tiệm bánh của gia đình chị Mười đành phải tạm ngưng. Tự nhủ lòng không thể để lãng quên cái nghề từng là đam mê của chồng, từ giữa năm 2020 chị Mười đã quyết tâm sản xuất trở lại. Sản phẩm bánh ngọt các loại vẫn mang nhãn hiệu cũ: Đồng Tiến - tên chồng, như một cách thể hiện sự tưởng nhớ, tình yêu và lòng chung thủy. Câu chuyện tái khởi nghiệp đầy xúc động của chị Mười là 1 trong 5 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc năm 2020 đã được Hội LHPN TP Quy Nhơn hỗ trợ vốn (5 triệu đồng).
Một câu chuyện giữ nghề khác được nhiều phụ nữ huyện Tây Sơn nhắc đến với niềm cảm mến là về tài cáng đáng, tâm huyết của bà Lê Thị Nhàn, 60 tuổi, ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), chủ cơ sở sản xuất nước mắm, bún, bánh tráng Bảy Nhàn khá nổi tiếng ở địa phương. Là con gái xứ nước mắm Gò Bồi nổi tiếng, bà Nhàn đã mang nghề gia truyền của phía ngoại về khởi nghiệp, từng bước làm giàu trên quê chồng. Sau nhiều năm được ưa chuộng, nhãn hiệu nước mắm do bà gầy dựng từng có giai đoạn yếu thế trước sự tràn ngập của nước mắm công nghiệp. Đã bước sang tuổi trung niên, kinh tế gia đình ổn định, con cái thành đạt, ai cũng nghĩ bà Nhàn sẽ thôi trăn trở làm kinh tế, song, bà vẫn lặng lẽ, quyết tâm tìm tòi cải tiến, đầu tư để vực dậy nhãn hiệu, mở rộng cơ sở. Cơ sở phục hồi thành công không chỉ 1 mặt hàng nước mắm như trước mà còn sản xuất thêm bún khô, bánh tráng…
“Động lực để tôi chèo lái, dốc sức lần nữa chính là mong mỏi giữ gìn, phát triển nghề truyền thống đã bao đời của gia đình. Hướng đến lâu dài, cơ sở chú trọng truyền nghề cho con cháu, người thân, người dân địa phương yêu thích nghề để có người tiếp nối”, bà Nhàn chia sẻ.
Cùng với chồng, bà Phạm Thị Lan rất tâm huyết giữ nghề truyền thống của gia đình và địa phương.
Là kinh tế, là tình yêu
Tại làng nghề bún tươi Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, hộ bà Phạm Thị Lan được biết đến là đại gia đình làm nghề lâu năm, hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hộ đại diện tham dự các kỳ giao lưu ẩm thực làng nghề, trình diễn nghề và trực tiếp nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống.
Chồng bà Lan là ông Đoàn Thiên Lang - người đại diện của làng nghề bún tươi Ngãi Chánh. Năm 2001, hộ bà Lan được đại diện làng nghề dự Lễ hội làng nghề bún ở Huế; năm 2007 được tỉnh mời trình diễn làm bún tại Lễ hội ẩm thực làng nghề miền Trung - Tây Nguyên (tổ chức tại Quy Nhơn); vinh dự nhất, năm 2008 đại diện đi nhận bằng công nhận làng nghề tại Bến Tre (tại sự kiện trao bằng công nhận làng nghề truyền thống cho một số địa phương trong cả nước, do Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức). Sau khi được công nhận và ngày càng nổi tiếng, gia đình bà trở thành địa chỉ tin cậy, hiếu khách cho những ai muốn tham quan, tìm hiểu về làng nghề.
Theo chị Đào Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Hậu, làng nghề hiện có 68 hộ sản xuất ở 22 cơ sở, trung bình mỗi ngày làm, bán khoảng 30 tấn bún. Sản phẩm được ưa chuộng, là sinh kế ổn định cho người dân theo nghề, trong đó đại đa số lao động là nữ, với nguồn thu nhập khá từ 5 triệu đồng/tháng.
Tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, bà Mai Thị Hương, Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất nước mắm Nhơn Lý, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh hải sản Hương Thanh - Nhơn Lý được biết đến là phụ nữ tiêu biểu làm giàu từ nghề truyền thống. Với tâm huyết của một người con làng biển khát khao đưa nước mắm thủ công gia truyền của gia đình cũng là đặc sản của quê hương mình lan xa, bà Hương đã có nhiều năm nỗ lực xây dựng, phát triển thành công thương hiệu “Nước mắm Hương Thanh”(đạt Sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, từ năm 2016).
Sau thành công với sản phẩm chủ lực, chị Hương mở rộng, đa dạng sản phẩm với các loại thủy sản chế biến: Mắm cơm, ruốc, mực; cá, tôm, mực khô... Trong năm 2019, các sản phẩm của Hương Thanh được tôn vinh là Sản phẩm nông dân đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Trên nền tảng nghề truyền thống có sẵn cộng với nỗ lực vươn lên, từ một hộ thuộc diện khó khăn, gia đình tôi đã dần no đủ, khấm khá, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương và có điều kiện tham gia đóng góp cho địa phương, xã hội”, bà Hương bày tỏ.
* * *
Với đặc điểm của mình, các nghề thủ công truyền thống gắn với lực lượng lao động chính là phụ nữ. Những năm gần đây, nhiều nghề, làng nghề truyền thống được phục hồi, có bước phát triển mới. Góp công vào tiến trình hồi sinh ấy là nỗ lực, tâm huyết của biết bao phụ nữ, đã không ngừng tìm tòi sáng tạo, cải tiến sản xuất, đổi mới, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tiếp cận thị trường..., tất cả nhằm giữ nghề cho mai sau.
SAO LY