NSƯT Tuyết Mai & nghệ thuật truyền thống: Dốc lòng cống hiến
● NSƯT Tuyết Mai tên thật là Võ Tuyết Mai, SN 1960, quê tại Cát Hanh, Phù Cát, Bình Ðịnh. Chị hiện là hội viên Chi hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội VHNT Bình Ðịnh; hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1997, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
● “Tuyết Mai là con nhà nòi, được đào tạo bài bản, tư chất rất thông minh và bén nhạy, nắm bắt vai rất nhanh, thể hiện tốt được nhiều vai, từ đào chiến đến đào bi sang cả vai mụ. Những vai như Tiêu Anh Phụng, Chung Vô Diệm, Lưu Kim Ðỉnh… là những vai khó trong Tuồng, không chỉ đòi hỏi khả năng thể hiện tâm lý, lời hát mà đòi hỏi nhiều vũ đạo cần diễn viên có kỹ thuật tốt và sức khỏe dẻo dai nhưng cả ở những vai khó này, Tuyết Mai đều thể hiện rất thành công, sắc sảo”.
Đạo diễn, NSƯT HOÀNG NGỌC ĐÌNH, nguyên Giám đốc nhà hát Tuồng Đào Tấn
Tình yêu nghề đã thúc giục chị dốc lòng với nghệ thuật truyền thống, nhiệt thành truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời không ngại mở rộng biên độ hoạt động nghệ thuật, thử sức mình với việc hô diễn bài chòi dân gian. Chị là NSƯT Tuyết Mai.
Là con nhà Tuồng rặt, thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha mẹ, lớn lên được các thầy tuồng mẫu mực truyền dạy nên Tuyết Mai sớm thành nghề. Tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa thông tin Bình Định, khóa I (1977 - 1979), chị về đầu quân cho Nhà hát tuồng Đào Tấn đến khi nghỉ hưu.
Truyền lửa nghề tuồng
NSƯT Tuyết Mai là nghệ sĩ luôn dốc hết tâm sức cho từng vai diễn, tạo được dấu ấn cá nhân ở những vai đào chiến, loại vai khó đòi hỏi kỹ thuật và trường lực. Chị nhiều ấn chứng năng lực của mình với các cuộc thi, hội diễn: HCV với vai Đào Tam Xuân trong vở Trảm Trịnh Ân, năm 1981; HCV với vai Tiêu Anh Phụng trong Tiêu Anh Phụng loạn trào, năm 1993…
Dày dặn vốn nghề, lại tâm huyết, nhiệt tình, chị được nhiều nghệ sĩ trẻ tìm đến xin chỉ dạy. Hơn 20 năm nay, chị tham gia vào công tác đào tạo các diễn viên trẻ. Ngay năm 2020, chị truyền dạy cho 3 diễn viên trẻ Thanh Vân, Ngọc Nhung, Bích Thân với những vai đào chiến sở trường để các diễn viên trẻ chuẩn bị cho Cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc. Qua sự truyền dạy, hướng dẫn của chị, nhiều nghệ sĩ trẻ đã có những thành tích cao trong các cuộc thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Thanh Vân, được chị truyền dạy vai Tiêu Anh Phụng, đạt HCB Cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 2017, bộc bạch: “Cô Tuyết Mai là một cô giáo dạy nghề rất giỏi. Cô sẽ chỉ ra và phát huy tối đa thế mạnh của trò rất nhanh. Chỗ nào cần bổ sung, chỗ nào cần phát huy cô đều có phương pháp dạy phù hợp, giúp học trò phát huy tối đa tố chất, sở trường. Cách minh họa của cô cũng rất dễ nhớ vì cô có một vốn nghề rất phong phú!”.
NSƯT Tuyết Mai trải lòng: “Có thể làm được chút gì để lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại, tôi luôn sẵn lòng”.
Nét duyên bài chòi
Gần đây, người ta lại thấy NSƯT Tuyết Mai hô hát ngọt xớt trong Hội đánh Bài chòi dân gian và nhập vai duyên dáng trong nhiều tuồng tích bài chòi cổ ở sân khấu truyền thống tại Phố Văn hóa - Nghệ thuật Quy Nhơn. Chị thổ lộ: “Má mình vốn xuất thân là diễn viên bài chòi, nên từ bé đã nhập tâm bài chòi. Khi nghỉ hưu, có điều kiện về mặt thời gian mình tiếp xúc với bài chòi nhiều hơn, càng học càng tìm hiểu càng thấy thích thú. Bước sang địa hạt này, mình được NNND Minh Đức, nghệ sĩ Hoàng Việt hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều. Mình có tham gia cùng các nghệ nhân trình diễn một số trích đoạn bài chòi cổ như Lưu Kim Đính, Lữ Bố hý Điêu Thuyền, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ…”.
Nhắc về chị, NNND Minh Đức dành niềm cảm mến: “NSƯT Tuyết Mai là một nghệ sĩ sắc sảo và thông minh, chị tiếp cận bài chòi cổ rất nhanh. Điều đáng quý hơn ở chị chính là sự nhiệt thành, tâm huyết không chỉ với Hát bội mà cả Bài chòi dân gian, chị đã cùng chung tay với các nghệ nhân chúng tôi gìn giữ, lan tỏa bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.
NSƯT Tuyết Mai (thứ 2, bên trái) cùng NNND Minh Đức, NS Hoàng Việt biểu diễn trích đoạn bài chòi cổ Phụng Nghi Đình tại tuyến Phố Văn hóa - Nghệ thuật.
Người có... “bàn tay phù thủy”
Nếu trên sân khấu, NSƯT Tuyết Mai dành được cảm tình khán giả với những vai đào chiến sắc sảo hay hóa thân vào trình diễn hô hát bài chòi dân gian duyên dáng thì khi rời khỏi ánh đèn sân khấu, chị được nhiều người yêu quý gọi là “người phụ nữ có bàn tay phủ thủy”. Bằng sự am hiểu trang phục và khéo tay của mình, suốt hơn chục năm nay, chị dành nhiều thời gian để làm các đồ diễn như trâm, cài, các loại đầu trâm phức tạp cho đào…Vốn nghiêm khắc với bản thân, từ năm 1985, chị đã tự mình làm các loại phụ kiện, phục trang, kể cả nấu phấn để trang điểm cho các vai diễn của mình. “Khoảng hơn mười năm nay, tôi mới làm nhiều cho các diễn viên trong Nhà hát Tuồng Đào Tấn và các nghệ sĩ Tuồng không chuyên trong tỉnh”, chị chia sẻ.
Dường như thành nếp, khi chị dạy vai nào thì cũng sẽ thiết kế một mẫu đầu trâm cho học sinh ấy. “Khi mình vào vai Thảo Hương trong vở Chàng Lía, cô đã thức nhiều đêm để tỉ mỉ làm đồ diễn cho mình. Nhận được món quà ấy từ cô, mình rất xúc động”, nghệ sĩ Thanh Vân thổ lộ.
Năm 2015, NSƯT Tuyết Mai nghỉ hưu, nhưng cái tâm với nghề cứ thôi thúc chị từng ngày cống hiến, dù là bước lên sân khấu hay lặng lẽ, tỉ mỉ với những phục trang, chị đều dốc lòng bằng tất cả sự say mê, thiết tha của mình.
VÂN PHI