Đối phó với tin giả trên mạng xã hội: Nâng cao ý thức, minh bạch thông tin
Tin giả trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, là mối nguy hại hiển hiện trong đời sống. Nâng cao ý thức của mỗi người trong quá trình sử dụng mạng xã hội, kết hợp với công khai, minh bạch thông tin là giải pháp chủ yếu để đẩy lùi mối nguy hại đó.
A dua, thiếu trách nhiệm
Từ khi Việt Nam ghi nhận trở lại các ca bệnh Covid-19 ở một số địa phương, tin giả lại bùng phát trên mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo. Không chỉ thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, nhiều người còn “tung hỏa mù” về các biện pháp phòng, chữa bệnh vô căn cứ. Nguy hiểm hơn, nhiều thông tin được lan truyền trong các nhóm kín, rất dễ tạo niềm tin với những kiểu “rào đón” như “từ nguồn tin đáng tin cậy”, “bạn mình làm ở bệnh viện mới tiết lộ”...
Người dân khai báo y tế tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, đấu tranh với các hành vi vi phạm trên không gian mạng, nhất là đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19. Qua công tác đấu tranh, từ khi dịch bệnh xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử lý 7 trường hợp.
“Tin giả lan truyền có nguyên nhân chính là sự thiếu trách nhiệm, vô ý thức, a dua... của người dùng MXH. Hậu quả là làm người dân hoang mang, ảnh hưởng tới việc làm ăn, buôn bán, sinh hoạt thường ngày”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng chia sẻ.
Có thể thấy rõ tình trạng này qua trường hợp N.A.P - chủ tài khoản Facebook “Ly Linh Vo” bị xử lý khi đăng bài viết với nội dung: “Bình Định khả năng cao có ca nhiễm đầu tiên. Phường Nhơn Bình, Quy Nhơn”. N.A.P thừa nhận chỉ muốn cung cấp thông tin cho cộng đồng chứ không có ý đồ xấu, không cố tình gây hoang mang dư luận; cái sai ở đây là chưa kiểm chứng thông tin chính thống.
Minh bạch thông tin
Từ ngày 15.4, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, hành vi thông tin sai sự thật trên MXH có mức xử phạt nặng.
Theo Chánh Thanh tra Sở TT&TT Trần Quang Triết, đây là cơ sở quan trọng để Sở TT&TT tiếp tục tăng cường phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (CA tỉnh) và CA các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH, nhất là những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp để đăng tải thông tin, bài viết sai sự thật phục vụ mục đích cá nhân.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các ngành chức năng của tỉnh cũng duy trì tốt việc thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở TT&TT, Sở Y tế, Báo Bình Định... Bản tin lúc 16 giờ hằng ngày được người dân trông đợi, chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân. “Các thông tin về dịch bệnh đều được công khai hằng ngày theo quy định. Mọi thông tin không chính thức từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đều không được công nhận”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Song song với công khai, minh bạch thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải nâng cao ý thức, chủ động tìm đến nguồn thông tin tin cậy, chính thống, không tùy tiện chia sẻ nguồn tin chưa được kiểm chứng.
Tại Công điện số 03-CĐ/TU ngày 29.7.2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh phải nêu cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư các cấp ủy, người đứng đầu các cấp trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch, huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống dịch. Đặc biệt, phải “bình tĩnh, chủ động ứng phó mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhưng không được gây hoang mang, mất ổn định”.
Thành công từ sự minh bạch
Các chuyên gia quốc tế nhiều lần khẳng định rằng chính việc công khai, minh bạch thông tin là một trong những yếu tố giúp Việt Nam chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn số ít những ý kiến lạc lõng, ngược dòng. Ông Steven Hanke - giáo sư ngành kinh tế học của ÐH John Hopkins (Mỹ) - trên trang Twitter cá nhân đã đưa Việt Nam vào danh sách “các nước che giấu dịch bệnh” khi các số liệu thống kê nhiều ngày liên tục đều ghi Việt Nam không có ca nhiễm mới trong đợt 1.
Những luận điệu đó chỉ cho thấy những cách nhìn phiến diện, sai lệch, thiếu thiện chí về những nỗ lực của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch để bảo vệ, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Nhà báo David Hutt - chuyên gia về chính trị Ðông Nam Á, khẳng định: “Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã rất minh bạch, cởi mở trong việc chia sẻ, cập nhật dữ liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 và quản trị công bằng, hành động trách nhiệm, đặt người dân lên mối quan tâm hàng đầu”.
Theo kết quả cuộc khảo sát toàn cầu do cơ quan nghiên cứu xã hội Singapore Blackbox Research tiến hành vào tháng 5.2020, có đến 94% người dân Việt Nam được hỏi cho biết việc duy trì thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh đã giúp người dân đặt trọn niềm tin vào Chính phủ.
Thông tin về các ca mắc mới, cả những trường hợp tử vong có liên quan đến Covid-19 được công khai trong những ngày qua là minh chứng cụ thể.
MAI LÂM