Đảm bảo kế hoạch sản xuất NN&PTNT năm 2020: Phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao
Ngày 21.8, chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện vụ Ðông Xuân năm 2019 - 2020, vụ Hè Thu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ ngành NN&PTNT 4 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương xác định nhiệm vụ cụ thể, có giải pháp phù hợp và phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao mới có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Nhiều khó khăn, thách thức
Từ nay đến cuối năm là thời điểm triển khai sản xuất vụ Mùa. Vụ sản xuất này thường gặp thời tiết bất lợi, đầu vụ hay bị mưa lũ gây hư hại giống, cuối vụ cây trồng dễ bị ngập lũ, ảnh hưởng đến năng suất. Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết trong vụ Mùa diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn là điều kiện lý tưởng cho chuột và các loại sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra thực tế mô hình trồng bắp sinh khối tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Những tháng cuối năm, người dân sẽ tái đàn gia súc, gia cầm mạnh hơn để cung ứng thịt cho thị trường trong dịp tết. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm này sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh cơ hội nguy hiểm như: Dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết, dịch tả heo châu Phi… phát sinh. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi rút các loại dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm.
Mặt khác, ngành chức năng nhận định, càng về những tháng cuối năm, mưa bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ các công trình thủy lợi và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng sẽ gặp khó khăn.
Cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: ”Huyện xác định lĩnh vực chăn nuôi heo là thế mạnh ưu tiên đầu tư phát triển, với mục tiêu đến cuối năm, đàn heo của huyện đạt 285 nghìn con. Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ DN đầu tư xây dựng Trung tâm mua bán, giết mổ động vật tập trung tại xã Ân Phong; hỗ trợ thuốc thú y cho người dân phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Hoài Ân cũng đã giải ngân 30 tỷ đồng từ gói tín dụng 150 tỷ đồng của tỉnh hỗ trợ cho 615 hộ để tái đàn heo. Phần lớn các hộ dân đều đầu tư mua heo con giống từ các DN, trang trại chăn nuôi có uy tín trong tỉnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo lực lượng thú y hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn heo”.
Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề ra những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Chúng tôi tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ Mùa, vận động DN liên kết với các HTX xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa và cây trồng cạn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tái đàn heo, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gà thả vườn đồi và đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao gắn với các liên kết chuỗi. Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, xử lý mạnh tay đối với các tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài. Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, tư vấn hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão theo phương châm 4 tại chỗ.
Nhận định thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh khó lường, sản xuất NN&PTNT chắc chắn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cần xác định nhiệm vụ cụ thể, có giải pháp phù hợp, ưu tiên đầu tư phát triển những lĩnh vực là thế mạnh của địa phương theo hướng nâng cao chất lượng. “Khối lượng công việc lớn, nhưng thời gian không còn nhiều, vậy nên ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải nhanh chóng cụ thể hóa các giải pháp bằng hành động cụ thể, trong đó chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần từ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất chăn nuôi tập trung, gắn với bảo vệ sinh thái, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện liên kết chuỗi trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nhằm tăng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Các đơn vị phải hết sức nỗ lực, quyết tâm cao mới có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương năm 2020 đạt từ 2,5 - 3%”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ