Biện pháp mạnh ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh triển khai các giải pháp mạnh trong việc xử lý các tàu cá Bình Ðịnh hoạt động tại các ngư trường ngoài tỉnh không về địa phương, nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cương quyết xóa số đăng ký tàu cá vi phạm
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), để tăng cường hiệu quả công tác quản lý tàu cá, đến nay, toàn bộ 3.140 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo luật định. Riêng với các tàu cá Bình Định hoạt động KTTS tại ngư trường ngoài tỉnh đã lâu không về địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức chỉ đạo rà soát lại, đưa vào nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và thông báo xóa số đăng ký tàu cá. Qua thống kê, từ ngày 1.1.2018 đến nay, cả tỉnh có 638 tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất nhập bến tại các cảng cá, bến cá các tỉnh phía Nam không về địa phương; trong số này có 88 tàu đã về khai báo trong năm 2019, còn lại 550 tàu không về, chủ tàu không báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động tại ngư trường ngoài tỉnh.
Theo dõi hoạt động KTTS của tàu cá Bình Định qua phần mềm giám sát đặt tại Trạm bờ Chi cục Thủy sản.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh, hành vi của 550 chủ tàu cá không đưa tàu về địa phương, không báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động tàu cá tại ngư trường ngoài tỉnh đã vi phạm điểm m, khoản 1, Điều 60 của Luật Thủy sản về không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký KTTS, không báo cáo theo quy định. Do đó ngày 3.7, Chi cục đã thông báo xóa số đăng ký tàu cá đối với số tàu này. Đây là giải pháp mạnh được tỉnh Bình Định áp dụng đầu tiên trong 28 tỉnh, thành ven biển cả nước, nhằm thực hiện quyết tâm khắc phục “thẻ vàng” chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) của tỉnh Bình Định.
Sau đó, đã có 55/550 chủ tàu cá Bình Định hoạt động ngoài tỉnh đưa tàu về khai báo thủ tục và được ngành Thủy sản tỉnh phục hồi biển số đăng ký để tiếp tục hoạt động.
Ngư dân Trần Cung, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93631-TS, bộc bạch: “Thật tình mà nói chúng tôi cứ nghĩ tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép KTTS và các giấy tờ, chứng chỉ liên quan là sẽ hoạt động, nhưng không biết rằng tàu ở lâu tại các tỉnh khác mà không về địa phương khai báo là vi phạm luật định. Bởi vậy, ngay khi nhận được thông báo xóa số hiệu tàu cá, tôi đã đưa tàu về để đăng ký phục hồi số hiệu”.
Cùng tâm trạng, ngư dân Lý Hoài Quỳnh, ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), chủ 2 tàu cá BĐ 95254-TS và BĐ 96039-TS, thổ lộ: “Tàu của tôi thường xuyên hoạt động tại ngư trường quần đảo Trường Sa và các tỉnh phía Nam, lâu nay ở luôn trong đó. Sau khi bị ngành Thủy sản Bình Định thông báo xóa số hiệu, tôi liền đưa 2 tàu về đăng ký phục hồi số hiệu trong tháng 7 - 8. Sau này, cứ mỗi năm, tôi phải đưa tàu về để khai báo, mới đảm bảo các điều kiện hoạt động theo luật định”.
Mạnh tay hơn nữa!
Bên cạnh việc đăng thông báo công khai danh sách tàu cá Bình Định bị xóa số đăng ký trên website của Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh còn gửi danh sách này đến các địa phương của các chủ tàu trong tỉnh và các chi cục thủy sản tại 28 tỉnh, thành ven biển cả nước để phối hợp quản lý.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh cho biết: “Các tàu cá Bình Định nằm trong danh sách thông báo đã xóa số đăng ký, nếu tiếp tục mang biển số đăng ký BĐ (Bình Định) hoạt động KTTS mà không về địa phương báo cáo là hành vi mang biển số giả, giả danh tàu cá, sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá không đúng quy định và không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của tỉnh Bình Định”.
Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhiều lần nhấn mạnh: “Trong số tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài phần lớn là các tàu hoạt động tại các tỉnh phía Nam đã lâu không về địa phương. Thậm chí có tàu 8 - 10 năm không về, cả gia đình chủ tàu đều sinh sống tại các địa phương đó, nhưng tàu vẫn mang số hiệu BĐ và khi tàu vi phạm thì tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm. Bởi vậy, phải có biện pháp mạnh hơn để quản lý mới ngăn ngừa được tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” IUU”.
Với nhiều giải pháp cấp bách được triển khai trong thời gian qua, Bình Định đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác chống khai thác IUU, giảm thiểu tình trạng tàu cá của tỉnh hoạt động KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, cả tỉnh có 4 tàu cá vi phạm, giảm 9 tàu so với năm trước. Để quản lý chặt chẽ hơn nữa tàu cá Bình Định hoạt động KTTS, UBND chỉ đạo Sở NN&PTNT, BĐBP tỉnh, CA tỉnh phối hợp tăng cường thực thi Luật Thủy sản, các quy định IUU; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá KTTS, hoạt động chứng nhận, xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến về những vấn đề kỹ thuật, khi tàu cá vượt qua lằn ranh trong bản đồ điện tử cài đặt trên thiết bị giám sát hành trình và bị lực lượng chức năng cảnh báo, để làm cơ sở xử lý các trường hợp này, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN