Bảo vệ tối đa bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Lập danh sách quản lý hằng ngày; khai báo y tế, kiểm soát sức khỏe; đặt lịch hẹn và chia thành từng nhóm theo ca trong ngày; xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 toàn bộ bệnh nhân... những giải pháp giảm tối đa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang được BVÐK tỉnh đặc biệt chú trọng.
Ba vòng kiểm soát
Sáng cuối tuần, trong khi các khoa điều trị khác tại BVĐK tỉnh vắng hơn thường ngày thì khoa Nội thận - lọc máu vẫn đông đúc. Ba buồng bệnh kín bệnh nhân lọc máu, 58 máy lọc máu hoạt động hết công suất; bên ngoài hành lang, ngần ấy bệnh nhân ngồi chờ đến lượt.
Bệnh nhân thận lọc máu chu kỳ tại khoa Nội thận - lọc máu (BVĐK tỉnh) được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Kết thúc ca chạy lọc máu đầu giờ sáng từ 6 giờ 30 phút - 10 giờ 30 phút, chuẩn bị cho ca hai, điều dưỡng trực gọi từng tốp 5 bệnh nhân vào làm thủ tục. Lần lượt từng bệnh nhân rửa tay kỹ tại bồn rửa tay bố trí phía trước hành lang khoa; sát khuẩn tay nhanh; thay đồ đồng phục bệnh nhân. Ngay trước cửa vào phòng bệnh, điều dưỡng trực ca yêu cầu bệnh nhân tháo bỏ khẩu trang hiện có, thêm một lần sát khuẩn tay nhanh; cấp khẩu trang y tế mới cho bệnh nhân. Trước đó, toàn bộ bệnh nhân được phân luồng đi vào cổng số 3 của bệnh viện (đường Phạm Ngọc Thạch) và thực hiện khai báo y tế. Quy trình 3 vòng kiểm soát nghiêm ngặt bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khoa Nội thận - lọc máu được thiết lập ngay đầu mùa dịch Covid-19.
Bốn năm nay, đều đặn các ngày thứ Ba, Năm, Bảy, bệnh nhân Nguyễn Thị P. (SN 1997) từ xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân) vào BVĐK tỉnh để lọc máu. “Trong quá trình chạy thận, tôi được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sức khỏe liên tục; đồng thời tư vấn, dặn dò cách phòng, chống dịch Covid-19 khi ở viện cũng như khi về nhà, tránh tối đa tiếp xúc với người khác, không ra khỏi nhà khi không cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng”, chị P. chia sẻ.
Bác sĩ Lê Văn Phúc, khoa Nội thận - lọc máu BVĐK tỉnh, cho biết: Bệnh nhân suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo có nhiều thời gian sinh sống trong cộng đồng ngoài sự kiểm soát của bệnh viện và tiếp xúc với nhiều nguồn dịch tễ khác nhau, song họ cũng lại có đến 16 giờ mỗi tuần tiếp xúc với nhân viên y tế và bệnh nhân khác trong bệnh viện. Chưa kể, họ có nhiều bệnh nền - đối tượng có nguy cơ cao bị diễn tiến nặng nếu nhiễm Covid-19. Tại khoa Nội thận - lọc máu, các bệnh nhân đang được bảo vệ tối đa bằng nhiều biện pháp, toàn bộ bệnh nhân được lập danh sách và quản lý hằng ngày. Tại buồng bệnh, duy nhất bệnh nhân được vào, trừ số rất ít bệnh nhân nặng có 1 người nhà đi kèm.
Hiện, tại khoa Nội thận - lọc máu (BVĐK tỉnh) - đơn vị y tế đảm nhận chạy thận nhân tạo của ngành Y tế tỉnh, có 381 bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần; trong đó khoảng 50 bệnh nhân đến từ tỉnh Phú Yên, Gia Lai. Lượng bệnh nhân đông, bình quân hằng ngày có 180 bệnh nhân chia thành 4 ca chạy liên tục (4 tiếng/ca), bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến 23 giờ.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Dũng, Trưởng khoa Nội thận - lọc máu, tất cả bệnh nhân thận được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Với bệnh nhân mới về từ các tỉnh, thành, đều được đưa vào phòng cách ly tại khoa để tầm soát, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 cũng phải bố trí chạy lọc máu ca cuối ngày. Trường hợp từ vùng có dịch Covid-19 về, được đưa vào khu điều trị cách ly (khoa Truyền nhiễm) của bệnh viện để tầm soát, kết quả âm tính SARS-CoV-2 mới được đưa trở lại khoa Nội thận - lọc máu để chạy ca cuối ngày. “Trong tình huống xấu nhất, có bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, chúng tôi có phương án lắp đặt máy lọc thận tại khu điều trị cách ly, bảo đảm bệnh nhân vẫn được lọc máu định kỳ. Chúng tôi đã sẵn sàng hệ thống RO mini chạy được cho 2 máy lọc máu, cùng ê kíp bác sĩ và kỹ thuật viên”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Không cho người lạ vào “xóm chạy thận”
Bên cạnh siết chặt phòng, chống dịch Covid-19 cho bệnh nhân tại khoa Nội thận - lọc máu, BVĐK tỉnh còn phải bảo đảm an toàn cho “xóm chạy thận” nằm trong khuôn viên bệnh viện. Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thùy Lam, “xóm chạy thận” hiện có 58 bệnh nhân và 17 người nhà của họ ở trọ trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Tất cả bệnh nhân bước vào buồng bệnh đều phải thực hiện quy trình rửa tay, sát khuẩn tay nhanh, đo thân nhiệt.
Từ ngày dịch Covid-19 lan rộng, bệnh viện xây thêm cổng rào, khu vực rửa tay ngay trước cổng; cấp xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang cho cư dân của xóm. “Ở đây thuận tiện cho việc điều trị, đỡ khó khăn cho bệnh nhân. Mùa dịch này, xóm vắng vẻ hơn, mọi người chỉ ở trong nhà, đến viện lọc máu rồi về, tất cả sinh hoạt đều gắn liền với khẩu trang”, bệnh nhân Lê Văn T. (SN 1993, huyện Phù Mỹ) - ở xóm chạy thận nửa năm nay, cho hay.
Từ TX An Khê (tỉnh Gia Lai) xuống Bình Định chạy thận 8 năm, cũng ngần đó thời gian vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh T. (SN 1966) và ông Tạ Văn T. (SN 1960) gắn với “xóm chạy thận”. Họ tâm sự: “Mấy bận trước, lâu lâu nhớ nhà thì về, nhưng từ khi có dịch Covid-19 thì hai vợ chồng hạn chế đi về; chuyện ra khỏi cổng bệnh viện để chợ búa cũng giảm tối đa để đảm bảo an toàn”.
“Bệnh viện lập danh sách và thực hiện khai báo y tế cho người lưu trú ở “xóm chạy thận”, kiểm tra thân nhiệt, cung cấp khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn tay; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn định kỳ, tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho người lưu trú ở đây. Đặc biệt, những người không thuộc danh sách đăng ký không được vào “xóm chạy thận” để đảm bảo tối đa an toàn cho khu vực này”, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng nhấn mạnh.
THU HIỀN