13 TRƯỜNG MẦM NON CÔNG LẬP TỰ CHỦ HOÀN TOÀN TÀI CHÍNH:
Nhiều trường thưa vắng học sinh
Sau nhiều lần gia hạn, năm học 2019 - 2020, 13 trường mầm non, mẫu giáo công lập ở tỉnh ta đã chuyển đổi theo mô hình trường mầm non công lập tự chủ hoàn toàn tài chính. Trái với kỳ vọng, hiện nhiều trường đã bị rơi vào trạng thái thưa vắng học sinh.
Dù rộng rãi, thoáng mát nhưng Trường mầm non thị trấn Phù Mỹ vẫn không thu hút được trẻ.
Nơi thừa nơi thiếu
Năm học 2019 - 2020, 13 trường mầm non bắt đầu thực hiện cơ chế trường mầm non công lập tự chủ, theo đó các địa phương xây dựng đề án với lộ trình học phí phù hợp theo tỷ lệ kinh phí tự chủ được giao và tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục. Cụ thể mức thu học phí năm học 2019 - 2020, như sau: Đối với 3 trường tự chủ 70% tài chính, có mức thu từ 750 nghìn đồng/tháng (Trường mẫu giáo Hương Sen) đến 900 nghìn đồng/tháng (Trường mầm non Quy Nhơn); Đối với 10 trường tự chủ 50% tài chính, có mức thu từ 346 nghìn đồng/tháng (lớp mẫu giáo không bán trú Trường mầm non Bồng Sơn) đến 730 nghìn đồng/tháng (Trường mầm non thị trấn Phù Mỹ). Sau khi tăng học phí, hầu hết các trường không giữ được số lượng học sinh đông như trước.
So với chỉ tiêu các phòng GD&ĐT giao cho 13 trường mầm non, mẫu giáo kể trên thì kết quả huy động trẻ tăng 130 em. Tuy nhiên, 130 em này dồn hẳn vào các Trường mầm non 2.9, Trường mẫu giáo Hương Sen, Trường mầm non Phong Lan (TP Quy Nhơn), Trường mầm non Tam Quan, Trường mầm non Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn). Các trường còn lại phần nhiều ở trong tình trạng thu không đủ chỉ tiêu, dẫn đến việc dạy học, trang trải các khoản chi thường xuyên rất khó khăn dù chỉ mới thực hiện tự chủ tới 50% - 70%.
Bà Hồ Thị Tần Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), cho biết: Trước đó, trường có hơn 200 cháu theo học, sau khi tăng học phí theo lộ trình, trường chỉ còn hơn 90 cháu, đến cuối năm có khá hơn một chút - lên 107 cháu. Học sinh ít nên chi thường xuyên, trả lương cho các cô cũng gặp khó khăn dù đã được luân chuyển một số cô lớn tuổi hệ số lương cao sang trường công lập. Do đó dù đã cố gắng tổ chức cho trẻ ăn sáng, nới khung thời gian đón, trả trẻ, dạy vào thứ Bảy nhưng cũng không thu hút được học sinh. Ít học sinh quá cũng dẫn đến việc trường rất khó tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Theo lộ trình, sắp tới sẽ nâng mức tự chủ, trường sẽ phải tăng học phí, đến lúc này không biết sẽ như thế nào nữa.
Khó khăn trong tự chủ, luân chuyển giáo viên lớn tuổi, lương cao đến trường công lập được nhiều nơi áp dụng. Tuy nhiên, nhiều nơi thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi lẽ chính đây là những giáo viên giàu kinh nghiệm, thiếu họ phụ huynh không còn yên tâm.
Các trường mầm non công lập tự chủ ở TP Quy Nhơn vẫn hoạt động tốt.
- Trong ảnh: Bữa ăn bán trú ở Trường mầm non Quy Nhơn.
Nhiều giải pháp
Ngoài thuận lợi về mặt khách quan như mức sống của dân thành phố khá tốt, nhu cầu gửi trẻ cao, TP Quy Nhơn còn đầu tư khá nhiều nên 5 trường tự chủ nơi đây vẫn còn hoạt động khá tốt. Cũng ở trong điều kiện “thở được sau tự chủ”, TX Hoài Nhơn được xem là nơi có cách làm hiệu quả, theo đó 2 trường ở phường Bồng Sơn, gồm Trường mầm non Họa Mi và Trường mẫu giáo Bồng Sơn nhập lại thành Trường mầm non Bồng Sơn và tự chủ tài chính hoàn toàn; tương tự ở phường Tam Quan thì Trường mầm non Tam Quan và Trường mẫu giáo Tam Quan nhập lại thành Trường mầm non Tam Quan và cũng tự chủ tài chính hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, chia sẻ: Khi sáp nhập, số trẻ đông nên học phí giảm xuống. Đồng thời chúng tôi luân chuyển một số giáo viên lớn tuổi để giảm mức chi, luân chuyển hiệu trưởng, sắp xếp lại để cán bộ giáo viên ở trường có sự năng động, tránh ỷ lại như trước; tăng cường hoạt động cho trẻ như aerobic, học đàn organ… để có sự cạnh tranh. Chúng tôi cũng tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Trường mầm non Tam Quan vừa đạt trường chuẩn quốc gia, nên trẻ có thể sẽ tăng thêm. Năm nay Trường mầm non Tam Quan xây thêm 4 phòng học, Trường mầm non Bồng Sơn xây dựng thêm 10 phòng học, thay cho điểm trường đã xuống cấp.
Nhiều người cho rằng, tự chủ hoàn toàn thì các trường phải có quyền về tài chính và cả nhân sự mới đồng bộ và linh hoạt cạnh tranh. Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Qua năm vừa rồi, nhiều trường gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Sở GD&ĐT đã kiến nghị lên UBND tỉnh hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các huyện, thị xã, thành phố có trường tự chủ về tài chính. Đồng thời đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án cho các trường thực hiện tự chủ hoàn toàn về các mặt: Kế hoạch giáo dục, nhân sự, tài chính… tạo sự chủ động để hoạt động có hiệu quả. Các địa phương xây dựng phương án sáp nhập các trường mầm non công lập tự chủ một phần tài chính có quy mô nhỏ, phân tán trên một địa bàn vào trường mầm non hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn tài chính để thuận lợi cho việc huy động trẻ vào trường.
THẢO KHUY