Hơn 126 triệu USD để bứt phá hệ thống y tế cơ sở của 13 tỉnh
Cả nước hiện có gần 11.000 trạm y tế, trong số đó có hơn 1 nửa số trạm y tế phải nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.
Nhân viên y tế khám bệnh cho người dân tại một trạm y tế. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Nhiều trạm y tế thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu các loại thuốc thiết yếu, do đó Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh được triển khai.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến khởi động Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở diễn ra ngày 25.8 tại Hà Nội.
Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở với tổng vốn 126,25 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD; vốn đối ứng là 21,25 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Y tế và 13 Ủy ban nhân dân tỉnh, dự án được triển khai trong 5 năm (2020-2024).
Giáo sư Nguyễn Thanh Long-Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh thông qua việc triển khai có hiệu quả của Dự án sẽ giúp đổi mới hệ thống cơ sở y tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp và hoàn thành các cấu phần phát triển hoạt động mạng lưới y tế cơ sở trong giai đoạn 2020-2024 góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Việc triển khai Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để các tỉnh dự án thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.”
Mục tiêu chung của dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án; hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu.
Dự án ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân.
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng-Giám đốc Ban Quản lý dự án trung ương cho hay các mục tiêu và hoạt động chính của dự án bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án.
Thông qua các hoạt động, dự án sẽ cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.
Về công tác nhân lực, dự án hướng đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch, kiểm tra phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…
Theo phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng, tại các trạm y tế xã, dự án sẽ hướng tới việc đổi mới hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh dịch; kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường; khám chữa bệnh… theo nguyên lý y học gia đình.
Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, áp dụng một số chính sách và các sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và kết nối với trung tâm y tế huyện và các cơ sở tuyến trên.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện dự án giữa Bộ Y tế và đại diện một số tỉnh dự án là Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn.
Được biết, 13 tỉnh thuộc dự án gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)