VĐV Bình Định thi đấu cho đơn vị khác: Cần góc nhìn đa chiều
Gần đây, việc VÐV gốc Bình Ðịnh khoác áo các đơn vị, tỉnh, thành khác thi đấu tại các giải thể thao quốc gia ngày càng nhiều. Ðiều này vốn khiến nhiều người cho là “chảy máu tài năng”, làm không ít HLV đội tuyển tỉnh “tổn thương”, nhưng ở những góc nhìn khác, đây là hướng đi rất cần được chia sẻ.
Võ và bóng đá bị “rút ruột”
Việc VĐV người Bình Định tập luyện, thi đấu cho các đơn vị khác không phải quá xa lạ, khi đã xảy ra từ hàng chục năm trước. Với nhiều lý do khác nhau, một số VĐV kể cả khi đã được đào tạo bài bản hoặc thi đấu có thành tích cho quê hương vẫn chuyển sang môi trường tập luyện, thi đấu khác. Có thể kể ra đây nhiều tên tuổi nổi bật như: Trương Ngọc Tuấn (bơi lội, thi đấu cho Quân đội), Hoàng Hải Bình (cờ tướng, thi đấu cho TP Hồ Chí Minh), Phan Hoàng Tường Giang (bóng bàn, thi đấu cho Bộ Công an), Trần Phú Cường (boxing, thi đấu cho Quân đội)… Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, số lượng tài năng thể thao ở dạng tiềm năng của Bình Định bị “rút ruột” khá nhiều, nhất là ở môn võ cổ truyền và bóng đá.
Đông đảo võ sinh tập luyện tại võ đường Đỗ Phúc Lên.
Tại Giải vô địch trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2020 và Giải vô địch trẻ kickboxing toàn quốc năm 2020 (diễn ra tại Đắk Lắk và Đắk Nông), các HLV Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định không khó nhận ra “lính” của các võ đường, CLB trong tỉnh thi đấu cho đơn vị khác như: Quân đội, Khánh Hòa… Đảm nhiệm công tác trọng tài tại các giải đấu, võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Thực ra nếu lấy các võ sĩ từ võ đường đi tham gia giải toàn quốc, rất khó có hy vọng đạt thành tích cao. Bởi VĐV chuyên nghiệp có khoảng cách lớn về trình độ chuyên môn đối với VĐV phong trào. Cho thi đấu với sự chênh lệch như vậy là đánh cược với sức khỏe của VĐV. Chỉ khi gặp phải lá thăm may mắn, hoặc rơi vào nội dung có ít VĐV tham gia thì mới có cơ may đoạt huy chương”.
Không rầm rộ như võ cổ truyền, nhưng thỉnh thoảng lại có một vài cầu thủ nhí Bình Định được tiến cử cho các lò đào tạo tên tuổi như: PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel… Đây hầu hết là những em nhỏ mê bóng đá, được phát hiện từ các vùng quê. Với mỗi VĐV được nhận vào các lò đào tạo, người giới thiệu được nhận khoản thù lao kha khá. HLV bóng đá Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Đào Duy Khoa, chia sẻ: “Dù có một số vệ tinh bóng đá ở các địa phương, nhưng tôi tin rằng chúng ta vẫn bỏ sót rất nhiều cầu thủ tiềm năng. Cũng vì vậy mà tôi rất mong có một giải bóng đá hằng năm, dành cho lứa tuổi 11 để có cơ hội phát hiện những tài năng bóng đá cho tỉnh nhà”.
Cơ hội nhìn lại mình
Võ đường Đỗ Phúc Lên (thôn Xuân An, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) được coi là một trong những địa chỉ cung cấp VĐV chất lượng cho một số đơn vị. Con gái HLV Đỗ Phúc Lên là Đỗ Nhã Uyên (đang thuộc biên chế đội tuyển boxing TP Hồ Chí Minh) từng giành HCB môn boxing tại SEA Games 30. Hai cậu con trai cùng một học trò của ông đang đầu quân cho CLB Quân đội. Có mặt tại võ đường lúc hơn 7 giờ tối, tôi không khỏi bất ngờ chứng kiến khi hàng chục võ sinh đang hăng say tập luyện. Đây có thể coi là một trong những phòng tập bài bản nhất so với các võ đường trong tỉnh. Trên diện tích hơn 250 m2, ông chủ võ đường xây dựng nhà tập gồm: Sàn đài, giàn treo bao cát, thảm tập, tạ, găng, bọc ống chân, giáp, mũ… Công trình được đưa vào sử dụng từ gần 2 tháng qua, với tổng chi phí đầu tư trên 200 triệu đồng.
“Tôi nhận rất nhiều lời đề nghị từ các tỉnh, thành về việc tuyển chọn, đào tạo VÐV cho họ, nhưng đều từ chối. Tôi không phản bác điều này, nhưng không làm vậy phần vì tình cảm với các võ sư, HLV đội tuyển tỉnh nhà, phần vì cảm giác không thoải mái khi không đóng góp cho quê hương”.
Võ sư Phi Long Vinh, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước
HLV Đỗ Phúc Lên bộc bạch: “Nhờ số tiền hỗ trợ hằng tháng từ Trung tâm Thể thao Quân đội dành cho 2 đứa con trai với tư cách VĐV và tiền huấn luyện của bản thân, tôi mới dám đầu tư phòng tập này. Hiện tôi đào tạo cả 3 môn: Boxing, kickboxing và võ cổ truyền. Thực tình, khi đưa con và học trò thi đấu cho đơn vị khác tôi rất áy náy. Nhưng phần vì số biên chế ở đội tuyển tỉnh có hạn, phần xét thấy nhiều điều kiện thuận lợi cho việc học hành của các cháu, khi vẫn được tập và đi học văn hóa ở địa phương chứ không phải ở tập trung nên tôi chọn phương án này. Để VĐV có thể thi đấu ở giải quốc gia, tôi phải cập nhật kiến thức huấn luyện; yêu cầu học trò tập luyện nghiêm túc và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng”. Được biết, ngoài chế độ huấn luyện dành cho vệ tinh, hằng năm võ đường còn được nhận trang thiết bị, dụng cụ tập luyện. Tiền thưởng dành cho VĐV, HLV khi đạt huy chương cũng rất cao (VĐV đoạt HCV ở giải vô địch quốc gia được CLB Quân đội thưởng 25 triệu đồng, HLV được nhận 30% tiền thưởng của VĐV) cũng tác động đến sự lựa chọn của các võ đường.
Ông Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, nhìn nhận: “Việc các võ đường, CLB tuyển chọn, đào tạo VĐV cho đơn vị khác đã xảy ra nhiều năm qua. Điều này một phần vì họ dùng chế độ, ưu đãi hấp dẫn để thu hút, ví dụ người giới thiệu được nhận thù lao trên mỗi VĐV được tuyển chọn; phần vì số lượng được tuyển của chúng ta có hạn, những em có tố chất, có đam mê muốn theo con đường chuyên nghiệp phải chọn môi trường khác cũng dễ hiểu. Một số em có khả năng còn góp mặt ở các đội tuyển quốc gia là điều đáng mừng. Ở góc nhìn khác, sự cạnh tranh giữa các võ đường trong nâng cao chất lượng đào tạo cũng đem lại mặt tích cực cho phong trào ở các địa phương. Nhưng để không bỏ sót bất kỳ tài năng nào, chúng tôi đang huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng thêm nhiều vệ tinh võ, rải khắp 10 huyện, thị xã. Bên cạnh đó, công tác huấn luyện, đào tạo tại đội tuyển tỉnh cũng cần được rà soát, nâng cao để trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho VĐV và gia đình”.
HOÀNG QUÂN