“Bắt cóc” và “Bắt cóc bỏ đĩa”
Mấy ngày vừa qua, từ vụ bắt cóc trẻ em Bắc Ninh, bắt cóc là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất. Trên các trang mạng xã hội, người ta nói nhiều về vụ việc này, trong đó có những bình luận hài hước, kiểu như: “Rõ ràng là bắt người sao lại gọi bắt… cóc”; “cóc có nhiều bà con họ hàng, sao chỉ gọi bắt cóc mà không gọi… bắt ếch, bắt nhái, bắt ễnh ương”.
Thật ra, cóc trong bắt cóc không phải là con cóc. Các bình luận trên là những kiểu đùa bằng cách chơi chữ mà thôi. Về từ bắt cóc, Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “bắt người một cách đột ngột và đem giấu đi” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.44). Bắt cóc là một hành vi phạm pháp.
Trong tiếng Việt, có một số thành ngữ có tổ hợp bắt cóc mà ở đó, cóc chính là con cóc, chẳng hạn: Bắt cóc bỏ đĩa. Từ điển thành ngữ tiếng Việt phổ thông giảng là: “Làm một việc không có kết quả, ví như bắt cóc đặt vào đĩa rồi cóc lại nhảy đi” (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002, tr.60). Đĩa là dụng cụ để bày thức ăn vốn có đáy cạn, lại không có nắp, nên gần như không có tác dụng nhốt con vật. Trong khi đó, tuy không bằng ếch, nhái nhưng cóc vẫn có thể bật nhảy (thật ra chỉ cần bò xuống) để thoát ra khỏi đĩa dễ dàng. Như vậy, bắt cóc bỏ đĩa [để nhốt] hóa ra không những không hiệu quả mà còn làm mất đi công sức, thành quả của mình. Đây là một việc làm ngớ ngẩn. Đồng nghĩa với câu trên là thành ngữ ít phổ biến hơn - bắt nhái bỏ đệm (đệm: Một đồ dùng bằng cói, thành rất thấp).
Cũng liên quan đến bắt cóc, tiếng Việt còn có một thành ngữ trái ngược với bắt cóc bỏ đĩa là bắt cóc bỏ đệp. Khác với cái đĩa, đệp là “giỏ đan bằng tre nứa, có hom hoặc có miệng bằng vải như hình cái miệng túi, dùng để đựng cá, cóc, nhái” (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.301). Như vậy, đệp là đồ chuyên dụng để nhốt cóc. Vào trong đệp rồi thì cóc hết đường ra. Thành ngữ này được dùng để chỉ ý nghĩa “làm một việc có kết quả chắc chắn”. Tương đương với câu này là thành ngữ bắt cua bỏ giỏ.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ