Phát triển Chính phủ điện tử: Đã hoàn thành 62/83 nhiệm vụ
(BĐ) - Chiều 26.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì điểm cầu tại Bình Định (ảnh).
Theo thông tin tại phiên họp, ngày 10.7.2020, Liên hợp quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8.2017 đến tháng 7.2019. Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức Cao.
Về xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 do Bộ TT&TT đánh giá, 3 vị trí dẫn đầu thuộc về Bộ Tài chính, Công Thương và TT&TT; 3 vị trí cuối cùng là Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Xây dựng.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 vị trí dẫn đầu thuộc về Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh. 3 vị trí cuối cùng là Bạc Liêu, Kon Tum, Cao Bằng. Tỉnh Bình Định xếp hạng 13.
Nguồn: BTV
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7.3.2019 của Chính phủ (về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025), đến hết tháng 7.2020, có 62 nhiệm vụ đã hoàn thành trong tổng số 83 nhiệm vụ (đạt 74,7%); đang thực hiện 21 nhiệm vụ (chiếm 25,3%).
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về định danh, xác thực điện tử). Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử chưa được triển khai, đặc biệt là về dân cư, đất đai. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương còn thấp.
NGUYỄN VĂN TRANG