Tái đàn tăng, giá heo giảm dần
Sau nhiều tháng neo ở mức cao, gần đây giá heo hơi liên tục giảm, chỉ còn khoảng 79.000 - 85.000 đồng/kg; kéo giá heo trở lại mức giá hợp lý để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp - chủ trại chăn nuôi và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay lại có dư luận cho rằng, với giá bán trung bình khoảng 80.000 đồng/kg thì người chăn nuôi bị lỗ nặng vì giá con giống mua vào vẫn còn rất cao.
Nhưng theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT tới Thủ tướng Chính phủ, với mức giá này, người nuôi vẫn có lãi 10.000 - 15.000 đồng/kg heo hơi. Báo cáo do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, dẫn chứng: Nếu hạch toán chi tiết thì với người chăn nuôi phải đi mua con giống, giá thành vào khoảng 71.000 đồng/kg heo hơi; còn nếu nuôi khép tính từ con giống đến heo thịt thì giá thành chỉ 50.000 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng người chăn nuôi vẫn đang có lãi.
Và theo xu thế, giá heo chắc chắn phải giảm vì tổng lượng heo tái đàn đã tăng lên đáng kể. Theo số liệu mà Bộ NN&PTNT cung cấp, hiện tổng đàn heo của cả nước đã tăng lên con số 24,9 triệu con (bằng 80% tổng lượng ở thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh). Trong đó, tổng lượng heo thịt do 16 doanh nghiệp, tập đoàn lớn nuôi liên tục tăng cao từ tháng 6 đến nay (trong tháng 7 tăng 17%, kế hoạch đến cuối quý 3 tăng 68% so với thời điểm 1.1.2020).
Trong khi hiện nay, ngay cả heo sống nhập ở Thái Lan cũng chỉ 70.000 - 72.000 đồng/kg, về đến Việt Nam cũng chỉ bán 84.000 - 86.000 đồng/kg heo hơi (do phải gánh chi phí vận chuyển và phòng dịch). Trong 7 tháng, 130 doanh nghiệp Việt Nam đã nhập hơn 93.248 tấn thịt heo đông lạnh từ nhiều nước (tăng 223% so với cùng kỳ năm ngoái).
Còn heo sống, từ ngày 12.6 vừa qua, Bộ NN&PTNT mới cho phép doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam giết mổ làm thực phẩm và tính đến ngày 1.8 đã có 36 lượt doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu hơn 4,7 triệu con heo từ Thái Lan. Ngoài ra, trong 7 tháng qua đã có 27 lần doanh nghiệp đăng ký nhập 292.590 con heo giống từ nước ngoài về Việt Nam và sẽ nhập tiếp 410.000 con trong các tháng tiếp theo của năm 2020 để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tái đàn, phục hồi chăn nuôi.
Do đó, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương hiện nay là tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tái phát; địa phương nào đã hết dịch (qua 30 ngày) thì phải công bố hết dịch và khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ heo bị dịch theo quy định của Chính phủ, để bà con nông dân, chủ trại, doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; đồng thời tuyên truyền để bà con chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, công nghệ cao. Đối với các chủ trại lớn, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay, thủ tục nhanh gọn hơn về đất đai.
Bên cạnh vận động người tiêu dùng tạm thời sử dụng các loại thực phẩm thay thế trước khi nguồn cung thịt heo trở lại trạng thái bình thường thì Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ GTVT… phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát tình trạng đầu cơ, đẩy giá của doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí trung gian như phí, lệ phí kiểm dịch, vận chuyển… Thực hiện nghiêm Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực và các hướng dẫn.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)