Nên viết đúng tên đèo Phủ Cũ
Nằm trên QL 1A, giáp ranh giữa địa phận huyện Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn là con đèo rất quen thuộc, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, mà một số người dân, thậm chí là một số tờ báo vẫn viết là đèo Phú Cũ. Tuy nhiên, tên đúng phải là Phủ Cũ.
Trước tiên xin nêu một ví dụ, báo Sài Gòn giải phóng cập nhật lúc 15:38 ngày 10.2.2020 đưa tin: “Chiều 10.2, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm CSGT Tuy Phước - Phòng CSGT CA tỉnh Bình Định vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) phong tỏa, kiểm tra hiện trường vụ TNGT tại khu vực đèo Phú Cũ, ở thôn Lộc Thái, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ”.
Đèo Phủ Cũ.
Liên quan đến vụ tai nạn này, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin và địa danh xảy ra tai nạn cũng được ghi là đèo Phú Cũ. Nhiều báo khác như Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Zing News, Dân Trí, Dân Sinh… khi đề cập đến địa danh này nhiều lần đều ghi là Phú Cũ.
Về địa danh này, sách Đại Nam nhất thống chí có chép “Núi Đầu Voi: Ở phía Nam huyện, phía Tây - Nam sông Lại Dương và phía Tây đường trạm, hình núi Đầu Voi, nên gọi tên thế, phía Tây - Nam là đèo Cựu Phủ, giáp địa giới huyện Phù Mỹ, phía Tây Bắc có núi Húc Mô, phía Tây có đèo Duyên, tục gọi là đèo Cây Gạo… Đèo Phủ Cũ: Cựu phủ ở phía Nam huyện (Hoài Nhơn), giáp địa giới huyện Phù Mỹ, là chỗ đường trạm đi qua, sản nhiều chè”.
Trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép “Giữa Bích Kê và Lại Khánh có đèo Phủ Cũ. Đường quốc lộ số 1 chạy trên đèo này. Đèo mang danh là Phủ Cũ là vì sở lỵ của phủ Hoài Nhơn xưa kia đóng ở Lại Khánh, trên dãy đồi ở cạnh đèo. Hiện nay vẫn còn nền cũ. Dưới chân đèo ở phía Nam có dốc Tam Tượng mà vùng chung quanh nổi tiếng về chè. Ca dao Bình Định có câu: Anh đi Tam Tượng hái chè/Bỏ cây ớt chín sau hè chim ăn. Còn nhánh Phù Mỹ từ Đèo Phủ Cũ chạy xiên xiên vào Đông Nam, đến gần địa đầu huyện Phù Cát thì quày ra Bắc cho đến gần đầm Trà Ổ” (tr.28, NXB Thanh Niên, năm 1999).
Khi chép về phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng, trong Địa chí Bình Định tập Lịch sử có nhắc đến tên địa danh này như sau: “Sáng sớm hôm sau, quân của Nguyễn Thân bao vây phủ Hoài Nhơn. Trấn thủ phủ Hoài Nhơn và đồn Lại Giang và Đội Dung cho người liên lạc quân Trần Vận (ở đồn Phủ Cũ) và quân Đặng Đề (đồn Bình Đê) cùng nhau tiếp ứng… Nguyễn Thân sau khi chiếm được phủ Hoài Nhơn, chiếm luôn cả đồn Phủ Cũ và đồn Bình Đê… Hay tin đồn Phủ Cũ bị giặc chiếm đóng, Tăng Doãn Văn và Đội Dung mở cuộc tập kích vào đồn Lại Giang. Đang ở đồn Phủ Cũ tuyển chọn thêm lính đánh đồn Chóp Chài, Nguyễn Thân được tin đồn Lại Giang bị nghĩa quân đánh chiếm, tức tốc kéo quân về” (tr. 205-206, NXB Đà Nẵng, năm 2006).
Xét về nghĩa, từ “phủ” là một đơn vị hành chính thời xưa, gần nơi có đèo ngày xưa từng tọa lạc phủ lỵ trung tâm hành chính của phủ Hoài Nhơn. Như vậy “Phủ Cũ” phù hợp với yếu tố lịch sử như đã dẫn ở trên. Còn “Phú Cũ” không rõ nghĩa.
Tóm lại, xét về yếu tố lịch sử và ý nghĩa, “Phủ Cũ” mới là tên đúng của địa danh! Đọc “Phú Cũ” có lẽ là do sự đọc chệch hoặc trại đi theo cách cho thuận miệng của một số người lâu dần thành quen. Chúng tôi nghĩ nói và viết đúng tên của địa danh là việc nên làm, nhất là với các cơ quan báo chí, hơn nữa, từ cái tên đúng ta còn biết thêm một phần lịch sử địa phương.
ĐẶNG VĂN ĐỆ