Phát triển Chính phủ điện tử: Vấn đề thúc bách, cần quyết tâm cao
Chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào chiều 26.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển; để thực hiện hiệu quả rất cần quyết tâm cao, nhất là của người đứng đầu.
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7.3.2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Song, vẫn còn đó những nút thắt cần tháo gỡ.
Gỡ nút thắt
Đến nay, hệ thống giao ban trực tuyến đã triển khai đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, kết nối với hệ thống của Văn phòng UBND tỉnh và Sở TT&TT. Trong đó, TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, Phù Cát đã hoàn thành đầu tư hệ thống giao ban trực tuyến đến cấp xã. Hiện tại, Sở TT&TT đang thực hiện nâng cấp hệ thống theo kế hoạch xây dựng CQĐT năm 2020.
TX Hoài Nhơn đã hoàn thành đầu tư hệ thống giao ban trực tuyến từ thị xã đến các xã, phường.
Bên cạnh đó, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 159/159 xã, phường, thị trấn hoàn thành, đưa vào sử dụng phần mềm một cửa điện tử. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã của tỉnh đã triển khai hệ thống Văn phòng điện tử kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị với UBND tỉnh và kết nối với phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng cơ bản đạt kế hoạch đề ra, nhưng ở cấp xã lại ở mức thấp (chỉ 40%, thấp hơn 20% so với kế hoạch).
Đáng chú ý, hiện có 1.459 thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh, 349 TTHC cấp huyện và 149 TTHC cấp xã đã được công khai trên Cổng dịch vụ công (dichvucong.binhdinh.gov.vn) do Văn phòng UBND tỉnh quản lý, vận hành. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tiếp nhận chỉ đạt 7% trên tổng số hồ sơ.
“Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Người dân, DN vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, ngại tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa cho hay.
Hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận Một cửa của UBND huyện Hoài Ân.
Ở phạm vi cả nước, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động. “Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020; hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT phải thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của người đứng đầu
Để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển CPĐT, sự chung tay của các DN rất quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các DN công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…
Thủ tướng cho rằng, lực lượng trên 50.000 DN công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, “không có họ thì khó thành công”. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định cần khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các DN số, DN công nghệ phát triển, có thêm nhiều sáng chế áp dụng vào thực tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến đóng góp của các DN trong việc cung ứng các dịch vụ công. Ông cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước không nên “ôm đồm” làm hết mọi việc; thay vào đó có thể sử dụng hình thức thuê dịch vụ, Nhà nước chỉ quản lý, giám sát. Tất nhiên, quá trình thực hiện phải đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin.
Để quy tụ, tập hợp được các DN công nghệ, mở rộng ra là áp dụng nhiều giải pháp mới để thúc đẩy quá trình phát triển CPĐT, đòi hỏi người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thật sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thay đổi tư duy trong giải quyết các vấn đề mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tâm đắc với bài học kinh nghiệm thực tế về phát huy vai trò của người đứng đầu tại Bộ Y tế và tỉnh Bình Phước.
Hiệu quả cụ thể, đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin; 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH Việt Nam... Tại Bình Phước, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19.5) lên 97% (ngày 21.8).
NGUYỄN VĂN TRANG