Làng nghề truyền thống thiếu lao động trẻ
Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống. Song, thực tế phần lớn lao động ở các nơi này hiện chủ yếu là người trung niên và cao tuổi, về lâu dài sẽ thiếu lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của làng nghề.
Theo Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 69 làng nghề với hơn 8.600 hộ, cơ sở làm nghề. Đến nay, có 9/69 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí mới tại Nghị định 52/2018/NÐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (TX An Nhơn) hiện ít có sức hút đối với lao động trẻ.
Chưa thu hút được lao động trẻ
TX Hoài Nhơn hiện có 3/4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề dệt chiếu cói Công Thạnh (phường Tam Quan Bắc), làng nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc (xã Hoài Châu Bắc), làng nghề sản xuất bún số 8 và bánh tráng các loại Tam Quan Nam (phường Tam Quan Nam). Mặc dù các làng nghề này đang hoạt động ổn định, song tình trạng thiếu hụt lao động trẻ vẫn là nỗi trăn trở, lo lắng về tương lai làng nghề.
Bà Ngô Thị Liên, ở khu phố Công Thạnh, phường Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 40 năm. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà cặm cụi làm cả ngày được vài ba đôi chiếu bán ra kiếm tiền công 50.000 - 70.000 đồng, thì sao tụi trẻ làm đủ ăn được. Tôi ráng giữ nghề, làm được lúc nào hay lúc đó, chứ giờ lớn tuổi rồi”.
TX An Nhơn hiện có 6/23 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Tình trạng thiếu lao động trẻ để giữ nghề cũng khiến các làng nghề này gặp khó. Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một lò rèn ở khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, bộc bạch: “Vài năm trở lại đây, nghề rèn phát triển nhờ đầu ra sản phẩm ổn định. Nhiều hộ làm nghề cũng đã ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, vẫn khó thu hút lao động trẻ, bởi nghề này không chỉ đòi hỏi sức khỏe, mà còn phải chịu khó, tỉ mỉ. Lớp trẻ bây giờ thường chọn việc có thu nhập cao hơn nghề rèn để làm”.
Thời cực thịnh, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu thu hút rất nhiều thợ trẻ có tay nghề đến làm việc. Từ năm 2016 đến nay, việc sản xuất bị chững lại do thị trường Trung Quốc không nhập sản phẩm nữa, lớp lao động trẻ, thợ giỏi cũng đã rời làng nghề. Anh Ngô Xuân Thảo, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Trường Thịnh ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, tâm tình: “Từ khi thị trường Trung Quốc không ăn hàng nữa, các cơ sở phải tìm cách chuyển sang sản xuất các loại đồ thờ cúng có kích thước nhỏ phục vụ thị trường nội địa, nhưng vẫn tiêu thụ chậm, khó níu chân được lớp thợ giỏi, lao động trẻ có tay nghề”.
Làng nghề dệt chiếu cói Công Thạnh, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) chủ yếu tạo việc làm cho người trung niên, lớn tuổi tại địa phương.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Theo ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, hầu hết các làng nghề ở thị xã tạo việc làm cho lao động nông nhàn lớn tuổi là chính, còn lao động trẻ không muốn gắn bó với nghề truyền thống bởi thu nhập không cao bằng làm việc tại các DN. Về lâu dài, thị xã định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, nhằm tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân làm nghề.
TX An Nhơn cũng đẩy mạnh thực hiện các chính sách quy hoạch làng nghề tập trung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ các cơ sở, hộ làm nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Đào Xuân Huy cho biết: “Để bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, thị xã tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá sản phẩm, mở các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Nhờ đó, một số làng nghề đã từng bước thu hút lao động trẻ giữ nghề, như làng nghề trồng mai cảnh ở xã Nhơn Phong, Nhơn An; làng nghề bún, bánh An Thái ở xã Nhơn Phúc… đây là tín hiệu vui ban đầu đối với sự phát triển của các làng nghề ở thị xã”.
Ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho biết: Chi cục đang tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát lại các làng nghề để trình UBND tỉnh công nhận lại theo quy định Nghị định 52 của Chính phủ. Đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống có “sức sống”, tác động xã hội thì có định hướng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động làm nghề, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm độc đáo của làng nghề và tiến tới thành lập HTX làng nghề. Thực hiện như vậy mới nâng cao thu nhập, thu hút được lao động trẻ gắn bó, tạo nên các thế hệ kế cận giữ nghề truyền thống.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN