Sân bóng đá miễn phí ở Phú Thương
Từ đầu năm 2020, xóm Phú Thương (khu vực Hội Phú, phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) có sân bóng đá cỏ nhân tạo đầu tiên. Ðiều đáng nói, tất cả những người dân trong xóm đều được sử dụng sân mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Gần 5 giờ chiều một ngày cuối tháng 8, tôi có mặt tại xóm Phú Thương. Sân bóng đá cỏ nhân tạo nằm sát góc ngã tư đường, vài em nhỏ chừng 12 - 13 tuổi có vẻ sốt ruột chờ đợi bạn bè để cùng vào sân đùa giỡn. Ít phút sau, sân bóng đã trở nên náo nhiệt, với trận đấu của những cầu thủ nhí chân đất. Vô tư chơi đùa với quả bóng, nhưng đúng 40 phút sau, các em tự giác rời sân, nhường lại cho hai đội khác. Theo anh Lê Ngọc Vinh, người quản lý sân bóng Phú Thương, trước đây, khi còn là sân đất, mỗi ngày chỉ có một nhóm thanh niên vào chơi bóng từ 5 - 6 giờ chiều. Từ khi sân được đầu tư làm cỏ nhân tạo, có dàn đèn, mỗi đêm đều thu hút người chơi đến 21 - 22 giờ.
Các cầu thủ nhí xóm Phú Thương thoải mái chơi bóng đá mà không phải lo trả phí thuê sân.
Người bỏ kinh phí khoảng 300 triệu đồng xây dựng sân bóng này là anh Trịnh Thêm, một người sinh ra và lớn lên ở xóm Phú Thương, nay đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Trịnh Thêm cho biết: “Tôi không chơi bóng đá, nhưng thích xem các đội tuyển Việt Nam thi đấu ở những giải quốc tế. Trong những lần về quê, tôi thấy người dân trong xóm, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên còn thiếu sân chơi nên nảy ra ý định đóng góp chút gì đó cho quê hương. Sau khi khảo sát, bàn bạc, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, tôi đã hỗ trợ xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo để mọi người có nơi vui chơi. Gia đình, bạn bè tôi cũng rất vui vì điều này”.
Ngay tại sân bóng, một bảng nội quy được dựng lên mà ai đọc qua có lẽ cũng cảm thấy hài lòng: “Tất cả thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ và toàn dân xóm Phú Thương được sử dụng sân bóng hoàn toàn miễn phí 100%. Các đội bóng ngoài xóm vui lòng đóng phí để hỗ trợ tiền điện, tiền bảo dưỡng sân. Từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều 40.000 đồng/giờ; từ 17 giờ chiều đến 22 giờ tối 70.000 đồng/giờ”. Cũng trên bảng thông báo, các khung giờ ưu tiên cho từng đối tượng được công bố cụ thể.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc anh Lê Ngọc Vinh lại nhận cuộc điện thoại gọi đến đặt sân. Với bất kỳ ai, anh đều tỏ ra vui vẻ, nhiệt tình sắp xếp thời gian hợp lý nhất. Năm 2008, khi làm thợ hồ ở Gia Lai, anh Vinh không may bị ngã giàn giáo gãy cột sống, bị liệt từ ngực trở xuống. Mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn, cuộc sống của anh Vinh gắn liền với chiếc xe lăn. Nhưng nhờ sự trợ giúp của nhiều người, cuộc sống của anh cũng dần ổn định. Đặc biệt, khi được “giao nhiệm vụ” quản lý sân bóng của xóm, anh vui hẳn. Anh Vinh cho biết: “Đây là sân bóng đầu tiên của phường Hoài Hảo, nên nhiều đội bóng trong phường hay đến đăng ký đá. Ngoài ra, còn có những đội ở Hoài Châu, Hoài Phú, Tam Quan Nam… cũng hay gọi đặt sân. Số tiền thu được của các đội bóng ngoài xóm Phú Thương được dùng để trả tiền điện thắp sáng sân, sửa chữa lưới, thay thế bóng đèn, bảo dưỡng mặt sân… Từ ngày được anh Thêm giao quản lý sân, tôi bận rộn hơn nhưng vui hơn vì thấy mình vẫn còn giúp ích được cho phong trào ở địa phương”. Theo anh Vinh, hiện trong xóm có khoảng 50 người thường xuyên chơi bóng đá, ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, cũng từ khi có sân bóng này, một đội bóng nữ của phường được thành lập.
Anh Võ Tuấn Sơn, ở phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), cho biết: “Ngay khi biết xóm Phú Thương có sân bóng đá cỏ nhân tạo, chúng tôi thường xuyên đặt giờ để chơi bóng. Từ chỗ tôi sang đây khoảng 3 cây số, không quá xa, mà mặt sân ở đây tốt, anh em lại vui vẻ, nhiệt tình nên tôi rất thích chơi bóng ở đây. Dự kiến sắp tới tôi sẽ tổ chức một giải bóng đá nữ để duy trì phong trào ở các xã, phường”.
HOÀNG QUÂN