Nhà thơ Lệ Thu: Mỗi ngày sống như một ngày áp chót...
Tính từ tập thơ đầu tay bà in năm 1980 - Xứ sở loài chim yến - cho đến tập thơ mới nhất vừa xuất bản - Khói mỏng nhẹ bay, 40 năm qua nữ thi sĩ Lệ Thu đã xuất bản 11 tập thơ, 1 tập văn xuôi Nhật ký nữ nhà báo chiến trường. Bà là nhà thơ đã khá quen thuộc với bạn đọc. Xuyên suốt thơ bà là sự bình dị câu chữ, không cách tân, khoa trương sáo ngữ, thơ bà mạnh ở tứ, nặng ở tình.
Ít thấy ai trường lực sáng tác như bà. Bà chia sẻ về tập thơ mới vừa ra mắt bạn đọc cuối tháng 8.2020 rằng, ngoài Khói mỏng nhẹ bay, bài thơ được bà viết cách đây khá lâu - năm 2011, đồng thời là tên thi tập, còn lại đa số được bà sáng tác trong 5 năm trở lại đây.
Nhà thơ Lệ Thu trả lời phỏng vấn phóng viên trong Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định.
Con cái ở xa, sống một mình trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa phố phường, nỗi trống vắng, những giằng níu ký ức, muôn sự nhân sinh va đập vào thẳm thức như thôi thúc bà viết. Văn như người. Ai từng tiếp xúc với bà có lẽ đều chung nhận định ấy. Nhà thơ luôn xem trọng giá trị đạo đức, tự trọng của người nghệ sĩ. Lẽ đó, bà từng bảo, nhà văn phải sống có nhân cách thì mới nói được những điều đúng đắn khách quan... Bà nhất quán văn và người bằng sự chân thành, tin yêu: “Sống vị tha thì không kẻ thù/ Phải chăng vậy/ cõi người ơi/ sai - đúng?/ Nâng trên tay lời kinh nhật tụng/ Sắm cho mình toàn áo cà sa/ dù đang chung đường với Bụt hay Ma!” (Tình yêu cứu rỗi). Dù với kẻ xấu hay người tốt, bà vẫn hiển hiện một Lệ Thu điềm đạm, vị tha, chất đầy yêu thương trong hành trang đời mình.
Nhà thơ Lệ Thu thuần hậu một tình yêu gia đình, bà dành nhiều trang viết về điều này. Từng là nữ nhà báo chiến trường, xa con thời lửa đạn đã đành, ngày hòa bình, mẹ Trung con Bắc, ở bà luôn thường trực nỗi nhớ con. Nỗi nhớ ấy day dứt bao nhiêu năm, bật lên những câu thơ cảm động: “Một mình một “ba lô con cóc” dọc Trường Sơn/ Nỗi nhớ con thơ cồn cào buốt xé/ Tình yêu gửi tận hai đầu/ Phía Bắc là con, phía Nam là mẹ/ Viết câu thơ nơi địa đạo phập phồng” (Lý lịch trích ngang).
Lệ Thu tên thật là Trần Lệ Thu, sinh năm 1940; quê Tuy Phước; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Ðịnh; đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997); Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Ðịnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bà 5 lần đạt giải A giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu các lần I (1991-1995), II (1996-2000), III (2001-2005), IV (2006-2010), V (2011-2015).
PGS-TS Hồ Thế Hà nhận xét: “Suốt hành trình dài với bao gian truân và thăng trầm cuộc sống, thơ Lệ Thu ngày càng nặng những thành quả nối tiếp. Lệ Thu là một gương mặt thơ nữ sáng giá, có phong cách riêng không lẫn vào ai. Lệ Thu tự mình làm nên phẩm tính thi ca và phẩm tính thi sĩ trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Thơ Lệ Thu - điềm đạm, lặng lẽ và lấp lánh một dòng riêng trong nguồn chung thơ hiện đại Việt Nam”.
Hôm tôi đến thăm bà nơi căn nhà nhỏ ở hẻm Quy Nhơn, như thấy bà vui hơn mọi ngày. Hóa ra, con trai và cháu nội về chơi. Bà say sưa kể về con với niềm thiết tha yêu thương, tin yêu, nói về những bữa cơm gia đình bình dị, ấm áp. Tôi thấy bà hậu như một người mẹ quê kiểng. Vài ngày rồi con về lại Hà Nội, riêng bà với căn nhà nhỏ. Đã quen bao năm nay, may mà, buồn vui còn thơ san sớt.
Thơ bà viết những năm gần đây trầm lắng, suy tư nhiều hơn vui sướng hân hoan. Cũng phải thôi, năm nay bà đã bước vào tuổi 80 rồi còn gì. Nhiều bạn bè một thuở, kẻ mất người còn, bà đắng đót với những điều mất đi, với những tráo đổi giá trị, đôi khi bà cảm thấy chơ vơ lạc lõng: “Bao bạn bè giờ lần lượt ra đi/ Mùa lá rụng trong tim mình nhói buốt/ Ta sống thọ với ngày không quen thuộc/ Rác và vàng cõi thế đã thay ngôi?” (Với bạn bè tôi). Dễ thấy, sự nhiễu loạn những giá trị, không chỉ về mặt đạo đức, trên nhiều bình diện khác, mà còn cả với… thơ. Không hẳn bà so sánh, mà bà mong đợi những đối đãi chân thành từ tấm lòng, không sắm vai giả trá, không ngụy ngoa làm dáng, để thơ là tiếng lòng bừng thức. “Thơ ngày xưa như sông/ Êm đềm trôi mải miết/ Thơ ngày xưa như lòng/ Trong veo tình tha thiết// Ai cứ đòi hơn, thiệt…/ Cho cây đành héo khô/ Ai rẻ rúng mùi hoa/ Tung đầy trời hương giả” (Nỗi niềm thơ).
Cũng dòng cảm thức ấy, bà hẫng hụt trước bao đổi thay giả trá sân si lòng người: “Thương ôi cá chẳng hóa rồng/ Chỉ người hóa cáo và sông hóa bùn/ Xéo lên cơ cực đời giun/ Bàn chân hãnh tiến chưa chùn ước mơ// Bây giờ thơ chẳng là thơ/ Tình như cánh bướm miếu thờ tang thương/ Bây giờ hương chẳng là hương/ Chỉ mùi son phấn tầm thường trêu ngươi” (Một giọt sương rơi).
Lệ Thu đi qua chiến tranh, thấu lẽ tử sinh và những mất mát người xưa cho ngày hòa bình, bà yêu nước, yêu quê hương, trân giữ những giá trị cha ông chắt chiu bao đời gìn giữ. Yêu quê hương không chỉ là tụng ca điều hay, lẽ tốt mà còn biết phản ứng, bóc trần dã tâm cát cứ. Lẽ vậy, bà viết: “Ngỡ là bè bạn yêu thương/ Hay đâu vẫn một vô thường dã tâm” (Công hàm của biển).
Bà rành rẽ yêu ghét, tốt xấu. Bà đau đớn nhói buốt, trước những trái quấy, tham bạc, toan tính lòng người. “Văn chương phải làm cho người ta sống tốt hơn, thiện lương hơn”. Bà nhấn mạnh như thế. Đó là khi bà muốn nói đến giá trị giáo dục trong tác phẩm, cũng là niềm mong mỏi văn chương sẽ gắn kết, cứu rỗi con người.
Bà vẫn viết, như một giãi bày, cộng thông với muôn chiều kích không gian, thời gian, để vin vào câu thơ nương níu lòng mình và hết lòng với người, với đời. Có câu hỏi rằng, nếu còn một ngày để sống, bạn sẽ làm gì? Lệ Thu đã có câu trả lời cho riêng mình. Và có lẽ, câu trả lời như một quan niệm sống ấy của bà, xuyên suốt và nhất quán như những câu thơ dung dị của nữ thi sĩ trong bài “Hành trang”: Mỗi ngày sống như một ngày áp chót/ Nhẹ lòng buông hết những sân si/ Chỉ yêu thương và làm điều có ích/ Chút hành trang gom góp tự xuân thì…
NGÔ PHONG