Bệnh hen - cần kiểm soát tốt
Hen là viêm mạn tính đường thở, làm đường thở bị hẹp lại gây tắc nghẽn lan tỏa.
Bệnh hen suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Nhưng bệnh vẫn có thể xuất hiện ở người lớn, đặc biệt là người lớn tuổi, những người mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng, chàm. Ngoài ra, những người sống và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và hóa chất như giáo viên, công nhân xây dựng, người khai thác khoáng sản... cũng rất dễ trở thành đối tượng của bệnh hen suyễn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - Khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), cho biết: “Triệu chứng hen bao gồm nhiều đợt khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, đặc biệt là ban đêm và lúc trời gần sáng. Hiện tượng tắc nghẽn đường thở lan tỏa này thường biến đổi theo thời gian, có thể phục hồi tự nhiên hoặc sau điều trị”.
Để phòng ngừa bệnh hen, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như vật nuôi, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia; nên đeo khẩu trang khi ra đường; thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối tránh việc tự ý mua thuốc, sử dụng sai thời gian hoặc sai liều dùng. Tập thể dục hợp lý và sử dụng các thực phẩm như đạm, chất béo, chất xơ, các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh để tăng cường sức đề kháng.
Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh là thực hiện tầm soát hen. Khi thực hiện tầm soát, người bệnh sẽ được chỉ định khám lâm sàng chuyên khoa hô hấp, chẩn đoán hình ảnh qua chụp X-quang phổi, đo hô hấp ký có thử thuốc và xét nghiệm công thức máu... để kiểm tra tình trạng hệ hô hấp. Bệnh hen không thể chữa dứt điểm được, tuy vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh hen càng sớm ở giai đoạn đầu sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)