Tuyên ngôn độc lập - Giá trị lịch sử và thời đại
Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2.9.1945 khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang ý nghĩa lịch sử và thời đại vừa ở khía cạnh chính trị, quốc gia, dân tộc, vừa ở khía cạnh pháp lý quốc tế, khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, xây dựng nền móng cho chính thể dân chủ cộng hòa của Nhà nước ta.
Cơ sở pháp lý và vấn đề quyền độc lập, tự quyết dân tộc
Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai câu tiêu biểu trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Kế thừa tư tưởng tiến bộ ấy của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo và mở rộng nội dung quyền tự nhiên, quyền con người ra quyền độc lập của một dân tộc, một quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945. Ảnh tư liệu TTXVN
Vào thời điểm mà chủ nghĩa thực dân đã thống trị thế giới hàng trăm năm, các quốc gia và dân tộc nhược tiểu bị đế quốc chia nhau thống trị, chúng nhân danh “khai hóa văn minh” để áp bức bóc lột thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một chân lý giản dị: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nếu như các nhà khai sáng mới dừng lại ở mức đề cập đến quyền tự nhiên của con người, thì ở đây Hồ Chí Minh đã mở rộng ý nghĩa của tư tưởng đó thành quyền tự nhiên của các dân tộc, các quốc gia. Điều mà sau này, Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ về các nguyên tắc của luật quốc tế ngày 24.10.1970 mới chính thức khẳng định. Trong 7 nguyên tắc được Đại hội đồng LHQ thông qua, có 2 nguyên tắc quan trọng, đó là: “Các dân tộc có quyền bình đẳng và tự quyết” và “Các quốc gia bình đẳng về chủ quyền”.
Đồng thời, trên cơ sở tuyên bố của các nước đồng minh ở các hội nghị Tehran và San Francisco về nguyên tắc dân tộc bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với quốc dân và toàn thế giới về quyền độc lập, nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Bảo vệ quyền con người
Quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền tự nhiên của con người, là những quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên đều có do sự tồn tại của mình. Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, cũng khẳng định những quyền tự nhiên này không phải do chính quyền ban phát, mà chính quyền được lập ra để bảo vệ cho các quyền đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chính tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản dân quyền để lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam. Qua việc lên án chủ nghĩa thực dân, phát xít, với việc viện dẫn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhân dân Việt Nam phải được hưởng đầy đủ những quyền tự nhiên và tự do, dân chủ như tất cả các dân tộc khác trên thế giới: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Phù hợp pháp luật quốc tế
Một chính phủ hợp pháp là chính phủ được hình thành thông qua các con đường phù hợp với pháp luật quốc tế. Tính chính nghĩa của chính phủ là một trong những căn cứ thực tế mang tính quyết định để thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ. Với việc lên án chủ nghĩa thực dân Pháp ở nước ta, tố cáo thực dân Pháp đã bán nước ta hai lần cho phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính phi nghĩa của chính quyền thực dân Pháp.
Chính quyền ta được hình thành qua cuộc đấu tranh của nhân dân ta đánh đổ chủ nghĩa thực dân, phong kiến, và đặc biệt là chống lại phát xít Nhật. Những sự kiện lịch sử không thể bác bỏ được đã được dẫn chứng thật ngắn gọn và đầy đủ để khẳng định tính chính nghĩa của chính quyền ta: “Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
* * *
75 năm đã qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và thời đại của Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập về những vấn đề cơ bản để xây dựng Nhà nước như: Quyền con người, quyền độc lập và tự quyết dân tộc, chính thể của quốc gia, quốc gia trong mối quan hệ quốc tế... sẽ vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TRẦN HOÀI SƠN