Ðánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Hướng đến khách quan, công bằng, chính xác
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, với nhiều nội dung mới, Nghị định số 90/2020/NÐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 20.8.2020 sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị.
Khắc phục những khoảng trống
● Lâu nay, trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tình trạng chủ quan hay nể nang, ngại va chạm vẫn còn, dẫn đến chưa đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của từng người. Trường hợp cán bộ bị tinh giản vì có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ gần như không xảy ra. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP sẽ thay đổi tình trạng đó như thế nào, thưa ông?
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”; và nguyên nhân của tình trạng trên là do “chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP là cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chính xác và khách quan. Ảnh minh họa
Quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử chính xác và khách quan.
Điểm mới quan trọng là Nghị định đã phân cấp để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý CCVC ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng CCVC ban hành quy chế đánh giá nhằm xác định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong đánh giá CBCCVC thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, có việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, sát hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm công tác đánh giá, xếp loại chất lượng được thực chất, khách quan, công bằng, chính xác; khắc phục tình trạng cảm tính, nể nang, dễ dãi, trù dập, thiên vị hoặc định kiến cá nhân.
Bên cạnh đó, việc quy định về giải quyết kiến nghị đối với kết quả đánh giá, xếp loại tại Điều 24 sẽ phát huy và bảo đảm quyền lợi của CBCCVC. Theo đó, trường hợp CBCCVC không nhất trí với kết luận đánh giá, xếp loại chất lượng đối với mình thì có quyền kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị do người có thẩm quyền đánh giá, xếp loại giải quyết.
Đáng chú ý, nội dung các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC cũng có nhiều thay đổi, vừa bảo đảm tính chi tiết, cụ thể, vừa bảo đảm tính bao quát, toàn diện, trong đó bỏ tiêu chí “có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến, giải pháp cụ thể, được áp dụng có hiệu quả” nhằm khắc phục tình trạng sao chép sáng kiến kinh nghiệm, tính hình thức khi công nhận đề tài, sáng kiến.
● Xin ông cho biết, với các trường hợp CBCCVC có thời gian công tác không liên tục, nghỉ theo chế độ thai sản... thì Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có những quy định cụ thể nào để khắc phục những vướng mắc trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng thời gian qua?
- Nghị định này đã bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại đối với những trường hợp chưa công tác đủ 6 tháng và các trường hợp nghỉ không tham gia công tác, nghỉ chế độ thai sản trong năm. Theo đó, CBCCVC có thời gian công tác trong năm chưa đủ 6 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm.
Trường hợp nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật từ 3 tháng đến dưới 6 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. CBCCVC nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
CBCCVC chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên thì phải kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ, trừ trường hợp không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ.
Liên thông với đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên
● Liên thông giữa đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC với đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm để hướng đến sự thống nhất, công bằng. Xin ông thông tin cụ thể về những điểm mới của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP để thực hiện mục tiêu này?
- Khoản 4 Điều 2 của Nghị định này quy định: “Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên”. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị định đã có một số điểm mới.
Về mức xếp loại, bên cạnh việc giữ nguyên các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ thì Nghị định đã sửa mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” thành “hoàn thành nhiệm vụ” để bảo đảm sự tương đồng với mức xếp loại đảng viên.
Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Riêng các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hằng năm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.
Những quy định này đã khắc phục những vướng mắc, bất cập trong công tác đánh giá CBCCVC hiện nay, đảm bảo sự liên thông, thống nhất với các quy định của Đảng trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên. Lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC là căn cứ để thực hiện các khâu trong công tác cán bộ, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với CBCCVC.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)