Chuyên môn hóa công tác đăng kiểm tàu cá
Ngày 17.8, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất tỉnh thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá theo đề nghị của Sở NN&PTNT. Ðây là bước tiến mới nhằm chuyên môn hóa trong công tác đăng kiểm, góp phần phát triển nghề cá của tỉnh trong thời gian tới.
Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản (KTTS); trong đó, có 4.412 tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên thuộc diện đăng kiểm. Năm 2019, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã kiểm tra an toàn kỹ thuật, thực hiện đăng kiểm cho 3.665 tàu cá. Đến tháng 8.2020, đơn vị đã thực hiện đăng kiểm cho 1.845 tàu; số còn lại, có tàu đăng kiểm ngoài tỉnh hoặc còn hạn đăng kiểm, chưa đăng kiểm.
Chấp hành nghiêm đăng kiểm tàu cá
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong chấp hành Luật Thủy sản, các quy định IUU, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá. Ngư dân đã tuân thủ quy định đăng ký, đăng kiểm tàu cá gắn với cấp giấy phép KTTS, giám sát chặt chẽ hoạt động KTTS.
Đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản kiểm tra máy tàu để gia hạn đăng kiểm cho ngư dân.
Sau khi nộp hồ sơ và được đăng kiểm viên đến trực tiếp tàu cá của mình kiểm tra an toàn kỹ thuật để thực hiện thủ tục gia hạn đăng kiểm, ngư dân Đinh Văn Hậu, ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 96893-TS, bộc bạch: “Tàu tôi thường hoạt động tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các tỉnh phía Nam, nhưng tới hạn là chủ tàu yêu cầu tôi đưa tàu quay về Bình Định để gia hạn đăng kiểm. Ngành chức năng tạo thuận lợi cho ngư dân rất nhiều trong việc hướng dẫn bổ sung các giấy tờ, nhắc nhở kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc, trang bị hàng hải, nên bà con rất yên tâm”.
Còn ngư dân Phạm Văn Ngôn, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ tàu giã cào BĐ 91365-TS, chia sẻ: “Tàu cá hoạt động trong vòng 1 năm phải gia hạn đăng kiểm, đây cũng là trách nhiệm của chủ tàu. Việc thực hiện đăng kiểm cũng giúp ngư dân đảm bảo an toàn khi vươn khơi. Nhưng quan trọng nhất là mình phải chấp hành nghiêm luật định, có như vậy mới được cấp đầy đủ giấy tờ, tàu mới được ra khơi KTTS”.
Nhiều thuận lợi cho ngư dân và nhà nước
Nhằm từng bước chuyên môn hóa trong công tác đăng kiểm tàu cá, trên cơ sở Đề án thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá do Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất để tỉnh ra quyết định thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá của tỉnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh cho biết: Việc thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá trên cơ sở tổ chức lại bộ phận làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công về đăng kiểm tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản, nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công, giảm đầu mối bên trong, nhưng đảm bảo không tăng thêm biên chế. Trung tâm được thành lập sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục Thủy sản, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm tàu cá, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm tàu cá trong và ngoài tỉnh theo luật định.
Việc thành lập Trung tâm đăng kiểm tàu cá tại Bình Định là bước tiến mới trong phát triển nghề cá của tỉnh, hướng đến việc xã hội hóa trong công tác đăng kiểm theo Luật Thủy sản, tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân khi thực hiện thủ tục đăng kiểm tàu cá và cơ quan quản lý nhà nước về nghề cá trong thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát quá trình đóng mới, nâng cấp, sửa chữa đối với tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn tàu cá hoạt động sản xuất trên biển.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN