Tây Sơn: Mới mẻ dịch vụ xay xát gạo lưu động
Với hệ thống máy móc được thiết kế, trang bị gọn gàng trên xe 4 bánh, tổng chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng, “nhà máy xay xát” lưu động của gia đình bà Phan Thị Tài, ở xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) rất linh hoạt và tiện lợi khi phục vụ bà con nông dân địa phương, được nhiều người ủng hộ.
Bà Hồ Thị Bích Lâu (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi, nhà lại ở cuối xóm nên trước đây mỗi lần chở lúa đi xay rất mất thời gian. Giờ có dịch vụ xay xát đến tận nhà nên thuận lợi lắm. Dù làm dịch vụ tận nhà, nhưng công xay xát cũng rất phải chăng (10.000 đồng/bao lúa 50 kg). Thêm vào đó, máy xay xát gạo lưu động còn lọc được cả sạn”.
Đang điều khiển “nhà máy xay xát” di động chạy trên tuyến đường Quán Á - Đồng Le, ông Hà Văn Hòa (chồng bà Tài) nhanh chóng tấp vào lề đường sau cái ngoắc tay của chị Xí. Sau khi tắt máy xe, ông Hòa tháo dây cua-roa (đang nối với động cơ xe) chuyển vào hệ thống xay xát. Ông vác 2 bao lúa ra sân, đổ vào những chiếc thau nhôm rồi khởi động máy... 10 phút sau, lúa đã được xay thành những hạt gạo trắng tinh, ông Hòa nhận tiền công, tháo dây cua-roa (đang nối vào hệ thống xay xát) lắp trở lại động cơ xe và di chuyển đến những “điểm hẹn” khác.
Ông Hòa cho biết: “Xuất phát từ thực tế ở vùng nông thôn mình, nhà nhà đều làm nông, ai cũng có lúa để xay, ít khi mua gạo chợ nên vợ chồng tôi mới sắm chiếc máy xay gạo lưu động này, trung bình mỗi ngày tôi xay được trên 70 bao lúa, tiền công xay 10.000 đồng/bao, trừ chi phí còn lãi khoảng 400 nghìn đồng”.
Người dân sống dọc tuyến đường Quán Á - Đồng Le quen gọi chiếc xe của ông Hòa là “nhà máy xay xát 4 bánh”. Họ gọi như vậy vì cả dàn xay xát được ông thiết kế gọn gàng như một chiếc xe công nông, đường lầy lội cỡ nào xe cũng có thể đến. Ngoài xay gạo, ông Hòa còn dự tính lắp đặt thêm hệ thống xay bắp, đậu và nhận luôn việc trộn thức ăn gia súc.
Nhờ làm dịch vụ xay xát lúa gạo lưu động, cộng với buôn bán tạp hóa và chăn nuôi mà gia đình bà Phan Thị Tài cũng có thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Bà Tài tâm sự: “Xay lúa xong, nhiều người không lấy cám, tôi lấy đó làm nguồn thức ăn nuôi heo, gà, vịt. Đợt xuất chuồng mới đây, tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi dự tính đầu tư thêm một máy xay xát nữa và thuê người vận hành để phục vụ bà con ở các xã xa hơn”.
VĂN PHONG